Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, trong tuần qua Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách TTHC trên địa bàn về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Một số kết quả nổi bật Hà Nội đạt được và việc chỉ đạo xây dựng Chương trình mục tiêu, Kế hoạch CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0). Năm 2019, Thành phố phấn đấu hoàn thành việc kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Kết quả khác là Hà Nội duy trì, triển khai 2 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Duy trì, khai thác hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về Dân cư, Doanh nghiệp, Bảo hiểm. Đồng thời triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về Đất đai, Tài chính. Hai là hoàn thiện, nâng cấp, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành trong các lĩnh vực: Nội vụ, Đầu tư, Y tế, Giáo dục, Công thương, Nông nghiệp, Quy hoạch, Xây dựng, Tài nguyên, Văn hóa.
Hiện nay, Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp Thành phố đi vào vận hành giúp công tác quản lý, theo dõi và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết TTHC các cấp, các ngành trong Thành phố thuận lợi, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy định hiện hành giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị.
Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được công khai trên hệ thống dùng chung Thành phố. Tính đến 28/8/2019 là 1.427 DVCTT/1.839 TTHC (trong đó 24 TTHC chưa đáp ứng triển khai DVCTT) đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 (đạt 79%). Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đạt 100% TTHC triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.
Trong năm 2019, Thành phố sẽ triển khai nâng cấp, triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành Thành phố tập trung, hình thành CSDL hành chính cốt lõi phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp, các ngành trong Thành phố. Triển khai thực hiện từng bước số hóa dữ liệu làm cơ sở tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố theo hướng dẫn của các Bộ, ngành.
UBND Thành phố đã chỉ đạo thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Thành phố; chủ động phối hợp với Công an Thành phố các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp nhận các thông tin cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng, hướng dẫn khắc phục lỗ hổng gây mất an toàn thông tin trên các Cổng thông tin điện tử, Website của các đơn vị trong thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục, hạn chế những nguy cơ làm thay đổi giao diện, lộ, lọt, mất thông tin trên không gian mạng.
Đến nay, các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực chuyên trách về CNTT; Hầu hết các đơn vị đã thiết lập hệ thống tường lửa, sử dụng phần mềm diệt virus; một số đơn vị có hệ thống cảnh báo truy nhập trái phép. Các hệ thống máy chủ, CSDL đều sử dụng phần mềm có bản quyền.
Theo Chinhphu.vn