Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến cùng lãnh đạo các ngành chức năng thành phố tham dự cuộc họp.
Thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp triển khai công tác chuẩn bị tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp (đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực tế cho thấy, các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp là các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời có tần suất thực hiện lớn.
Để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhiều địa phương đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công lĩnh vực tư pháp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, về đăng ký khai sinh, đã có 6 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Tây Ninh, Lai Châu) tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã tiếp nhận, xử lý 1.063 hồ sơ trực tuyến. Có 16 tỉnh đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, có 14 tỉnh, thành phố đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý hộ tịch đã được Bộ Tư pháp triển khai đến 60/63 địa phương. Đây là một sự thuận lợi rất lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, việc triển khai nội dung này sẽ giúp địa phương không phải nhập số liệu, hồ sơ nhiều lần vào hệ thống, qua đó giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.
Tại Hải Phòng, tháng 11/2019, thành phố đã hoàn thành việc kết nối hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia, đến tháng 12/2019 đã hoàn thành cả 4 nhóm chỉ tiêu kết nối, tích hợp chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài các chỉ tiêu trên, mặc dù không nằm trong 3 đơn vị thí điểm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành tích hợp 6 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 2 thủ tục lĩnh vực tư pháp gồm Đăng ký khai sinh (triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn), Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam (Sở Tư pháp).
Thời gian tới, thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ để triển khai xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm. Tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2020 bảo đảm mỗi năm phấn đấu đạt 20% trong tổng số dịch vụ công trực tuyến mà thành phố cung cấp, thực hiện cho đến khi hoàn thành 100%.
Đối với lĩnh vực tư pháp, hiện Hải Phòng là một trong 6 tỉnh, thành phố đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia lĩnh vực tư pháp với 2 thủ tục đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Về việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Đăng ký giao dịch bảo đảm trên Cổng dịch vụ công quốc gia, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến cho rằng, để triển khai được cần có sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ, thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời phải có sự chuẩn bị đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, liên thông các cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện tại địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt, với phương châm lấy cải cách hành chính dẫn dắt, công nghệ thông tin là phương tiện. Với các dịch vụ công đã khai trương ngày 9/12/2019, đề nghị các bộ và địa phương hoàn thiện để triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là Hải Phòng, Bắc Ninh là những địa phương tiên phong, làm điểm.
Đồng chí đánh giá cao thành phố Hải Phòng đã chủ động đăng ký thực hiện lĩnh vực cấp giấy khai sinh, lý lịch tư pháp. Đồng chí đề nghị các bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với nguyên tắc đăng nhập một lần, để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cần quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện cải cách theo hướng Chính phủ kiến tạo. Trong thời điểm dịch bệnh do vi rút Corona đang hoành hành như hiện nay, cần đặc biệt coi trọng triển khai dịch vụ công trực tuyến để giúp cho vấn đề tăng trưởng. Đồng chí cho biết theo kế hoạch, ngày 12/3, Văn phòng Chính phủ sẽ thực hiện công bố tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Vì vậy, đề nghị các địa phương triển khai công tác chuẩn bị và hoàn thiện trước ngày 10/3 để các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo hiệu quả, đáp ứng đúng mục tiêu đề ra.
Theo Haiphong.gov.vn