Bắt đầu từ thái độ, ứng xử của cán bộ, công chức
Có mặt tại phòng “một cửa” quận Nam Từ Liêm từ khá sớm, sau khi lấy số thứ tự, ông Trần Văn Thái nhanh chóng được cán bộ tiếp nhận hồ giải quyết yêu cầu. “Tôi sửa địa chỉ mảnh đất trên sổ đỏ, trước mảnh đất nhà tôi thuộc xã Phú Đô, xã lên phường đã lâu, nay tôi mới đi sửa lại cho đúng. Trước khi đi cứ nghĩ tới cảnh chen nhau nộp hồ sơ rồi đi lại các cửa tôi rất sợ, nhưng không ngờ tôi chỉ cần vào bộ phận “một cửa“ là được các đồng chí cán bộ giải quyết nhanh nhóng, chỉ một tuần sau tôi được lấy lại sổ đỏ của mình mà không phải đi lại nhiều”, ông Thái phấn khởi chia sẻ.
Ông Thái cũng nhớ lại 20 năm trước, các cơ quan hành chính chưa có bộ phận “một cửa”, cũng không có kênh nào để tìm hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục hành chính nên người dân cần làm bất cứ thủ tục gì đều phải lên phường, sở, ngành hỏi trực tiếp. Khi đó công dân đến phường hỏi phòng này lại được chỉ sang phòng kia, rồi đi lại và chờ đợi mất rất nhiều thời gian.
Cũng cảm thấy rất hài lòng sau khi làm xong thủ tục tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Đức Thắng (Tổ 4, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Tôi đến làm thủ tục lần đầu và được cán bộ bộ phận “một cửa” hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo nên dễ dàng hoàn tất hồ sơ để nộp”.
Hài lòng về thái độ đón tiếp chu đáo, hướng dẫn nhiệt tình, thủ tục làm nhanh gọn là cảm nhận chung của nhiều người dân khi giao dịch tại bộ phận “một cửa” của Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, ngành thành phố Hà Nội. Gặp chị Trịnh Thị Thơm, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), ấn tượng nhất là nụ cười luôn thường trực trên gương mặt khi giải quyết thủ tục cho công dân. Chị Thơm chia sẻ, cán bộ, công chức ở bộ phận này đã được tập huấn, rèn luyện kỹ năng trong giao tiếp, khi giao tiếp với người dân phải luôn hòa nhã, tận tình, lễ phép, tất cả đã thành nề nếp.
Đa số công dân đến bộ phận một cửa của phường để làm các thủ tục hành chính đều có chung nhận định là cán bộ ở đây luôn có thái độ cầu thị, ôn hòa, tận tình hướng dẫn người dân một cách cụ thể, tỉ mỉ. Phường Nguyễn Du cũng đã thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa phường, kết quả cho thấy 100% người dân đều hài lòng và đánh giá cao thái độ phục vụ của cán bộ.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Du Dương Minh Đức, việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở như liều thuốc bổ trợ giúp cho kỷ cương hành chính, nhất là công tác cải cách hành chính tại các cơ quan tốt hơn trước rất nhiều.
Còn tại quận Long Biên với mô hình “một cửa thân thiện, gần dân” được triển khai ngay từ những tháng đầu của năm 2018. Toàn bộ vách kính ngăn cách giữa cán bộ, công chức với công dân tại bộ phận “một cửa” của 14 phường được dỡ bỏ. Theo chia sẻ của người dân khi đến làm thủ tục hành chính, việc làm này giúp người dân cảm nhận được sự quan tâm, thân thiện và gần gũi của chính quyền.
Ông Lương Thành Trung, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Gia Thụy, quận Long Biên chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng phục vụ người dân được tốt nhất. Trong thời gian qua, phường Gia Thụy còn cụ thể hóa tiêu chí “gần dân” bằng việc trả kết quả thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội tại nhà cho các đối tượng chính sách. Ngoài ra, phường cũng gửi thư chúc mừng, chia buồn, trong đó lồng ghép thông tin tuyên truyền về chăm sóc trẻ nhỏ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tới các gia đình...
Quyết liệt, sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, quản lý trật tự đô thị, thúc đẩy môi trường đầu tư, chú trọng y tế, giáo dục... công tác cải cách hành chính được Thành phố tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Trong đó, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố được ban hành, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính bằng những văn bản cụ thể.
Cùng với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đã hoàn thành sắp xếp xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được trung ương và dư luận đánh giá cao. Thành phố xây dựng các nội quy, quy trình công tác, các đề án vị trí việc làm của từng đơn vị; xây dựng các phần mềm để quản lý cơ sở dữ liệu, phục vụ cho hệ thống quản lý. Đặc biệt, Thành phố đã “phủ sóng” bộ phận “một cửa” ở tất cả cơ quan hành chính nhà nước và liên tục tổ chức đoàn kiểm tra công vụ với cách thức đổi mới là kiểm tra đột xuất và tái kiểm tra.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính.
Năm 2016, 2017 được Thành phố lấy chủ đề “Năm kỷ cương hành chính” và năm 2018, 2019 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, chính vì vậy kỷ cương hành chính, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị…Thành phố đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Chính sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của Thành phố, bộ phận “một cửa” dần hoạt động thực chất, hiệu quả chứ không làm hình thức, đối phó. Những nỗ lực không ngừng của thành phố Hà Nội đã được ghi nhận bằng kết quả cao ở nhiều chỉ số: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tiếp hai năm (2017, 2018) đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017...
Tuy nhiên, chưa bằng lòng với kết quả đó, thành phố Hà Nội vẫn đang quyết tâm phấn đấu cải thiện đời sống nhân dân bằng sự phục vụ tận tình, chu đáo, xây dựng nền hành chính vì nhân dân. Thành phố phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra: Đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đạt yêu cầu hiện đại…
Theo Laodongthudo.vn