Tham gia Hội thảo có các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông, Cục công nghệ thông tin (CNTT) của các Bộ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, các Nhà đăng ký tên miền “.VN”,...
Hội thảo tập trung đánh giá chặng đường hơn 10 năm thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam, cập nhật về xu thế, kết quả chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm triển khai, ứng dụng IPv6 trên các lĩnh vực và tập trung vào triển khai IPv6 cho các cơ quan nhà nước (cho mạng lưới, các dịch vụ công) và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số (báo chí, mạng xã hội, trang tin điện tử, dịch vụ cloud,...).
Năm 2019 có vai trò quan trọng khi là năm cuối thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Tính đến ngày 06/4/2019, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đã đạt 32,37% với hơn 17 triệu người sử dụng IPv6, vượt kế hoạch năm 2019 (30%). Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á, thứ 6 Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 9 thế giới (sau Bỉ, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Malaysia, Hy lạp, Nhật Bản và Đài Loan) về mức độ ứng dụng triển khai IPv6.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, năm 2019 là năm quan trọng, tập trung thúc đẩy việc triển khai IPv6 đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước, chung tay đưa IPv6 lan tỏa sâu rộng trên mạng Internet tại Việt Nam và Việt Nam sẽ chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6.
Với sự nỗ lực của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan nhà nước, sự phối hợp của các doanh nghiệp Internet, nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống CNTT, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, điển hình là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Đồng Nai…
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, Mobifone đã triển khai rộng rãi việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Tỉ lệ chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 của VNPT, Viettel đã cán mốc trên 30% (cao hơn mức trung bình toàn cầu). Tuy nhiên, tỉ lệ ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ Internet của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nội dung tại Việt Nam còn thấp, cần được tập trung thúc đẩy. Tính đến hết tháng 4/2019, khối cơ quan Nhà nước có tổng 61 Website hoạt động với IPv6 (chiếm 2,2% trên tổng số Website của các cơ quan Nhà nước), còn khiêm tốn so với các nước có kết quả chuyển đổi IPv6 tốt trong khu vực.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các cơ quan, doanh nghiệp cùng khai trương cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6 tại “Lễ Khai trương triển khai cung cấp dịch vụ IPv6”. Sự kiện này chính thức ghi nhận Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định với IPv6.
Tiếp nối chương trình Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019, chương trình tập huấn triển khai IPv6 dành cho cơ quan Nhà nước khu vực phía Bắc được tổ chức trong hai ngày 07/5 và 08/5/2019 tại Hà Nội. Chương trình tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ trên nền tảng công nghệ IPv6. Các học viên tham dự chương trình sử dụng kiến thức đã được đào tạo, tập huấn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình.
Theo Chinhphu.vn