Hà Nội: Chuyển biến mạnh trong cải cách hành chính

Thứ sáu, 21/12/2018 15:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định chủ đề công tác: “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, TP Hà Nội đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Vì vậy, các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, công tác CCHC có những chuyển biến mạnh, rõ nét.

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo

Phát huy kết quả đạt được, cộng với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2018 đề ra, thành phố đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp... Cùng với đó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần đạt kết quả thấp để nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, PCI. Kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể kiên quyết, khắc phục ngay những nội dung còn hạn chế, như: Tính năng động, tiên phong, sáng tạo trong giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch TTHC, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh sách hộ nghèo; công khai thu chi tài chính cấp xã; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cấp phép xây dựng; kiểm soát tham nhũng, chống lãng phí, tăng cường thanh tra, giám sát...

Đáng chú ý, thành phố đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ khởi nghiệp. Theo đó, đã có nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống. Từ đó, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; kinh phí và thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới; đào tạo nguồn nhân lực cho hộ kinh doanh. Đặc biệt, thành phố chỉ đạo không thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian ba năm đầu, kể từ khi doanh nghiệp được thành lập...

Để nâng cao Chỉ số PCI, PAPI, thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thông qua việc triển khai các giải pháp như: Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, thành phố sẽ cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo danh mục các TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC được UBND thành phố công bố.

Hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh; khám chữa bệnh; cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đồng thời, phối hợp tốt với Bộ Nội vụ hoàn thành việc triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại 6 sở, 9 UBND quận, huyện và 27 xã, phường, thị trấn...

Tạo bước chuyển căn bản

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, Hà Nội đã tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của thành phố đã dẫn đầu cả nước, ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch cả năm 2018. Và dự kiến đứng đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.350, vốn đầu tư đăng ký là 33,38 tỷ USD. Riêng trong 3 năm (2016-2018), thành phố đã thu hút được gần 13,25 tỷ USD, bằng 2,12 lần giai đoạn 2011-2015. Chỉ số PCI xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một kết quả nữa không thể không nhắc tới, đó là việc thành phố đã đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch để góp phần duy trì, cải thiện các Chỉ số PCI, PARINDEX, PAPI; kiên quyết, khắc phục ngay những nội dung còn hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết TTHC liên thông, tính năng động, tiên phong, sáng tạo trong giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch TTHC, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh sách hộ nghèo, công khai thu chi tài chính cấp xã, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, kiểm soát tham nhũng, chống lãng phí, tăng cường thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị...

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố cũng tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Thành phố tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Đồng thời, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; cơ bản đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn.

Công tác cải cách tài chính công cũng được quan tâm và chỉ đạo khá quyết liệt. Thành phố đã tăng cường quản lý tài chính, tài sản công theo đúng quy định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi các loại phí, lệ phí, mức thu các loại phí, lệ phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tiếp tục đẩy manh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt, tăng cường mua bán trao đổi thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và chính quyền, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Thành phố đã triển khai đồng bộ hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.

Những động thái quyết liệt nêu trên đang góp phần tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính thành phố và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. 
 

Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)