Tạo điều kiện thuận lợi thanh toán trực tuyến cho người dân

Thứ hai, 13/01/2020 11:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
VPCP và các cơ quan liên quan đang quyết tâm để đưa 3 dịch vụ công: Thu tiền xử lý phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí trước bạ; cấp giấy xác nhận số CMND lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong quý I/2020 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thanh toán trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Sáng 10/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính... về việc triển khai tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Tiết kiệm 10,4 triệu ngày công và hơn 2.268 tỷ đồng/năm

Cuộc họp nhằm triển khai tích hợp với các dịch vụ: Thu tiền xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Thu phí, lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, từ thời điểm khai trương Cổng DVCQG vào ngày 9/12/2019 đến ngày 9/1/2020, Cổng DVCQG đã có 8,51 triệu người truy cập, có trên 422.000 hồ sơ đồng bộ. Như vậy, nhu cầu người dân doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công là rất lớn.

Từ đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, qua nắm tình hình thực tế thì quan trọng nhất là tích hợp dịch vụ công để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có các dịch vụ công thuộc Bộ Công an và các bộ liên quan để tạo điều kiện thanh toán trực tuyến cho người dân.

Theo dự kiến, trong quý I/2020, sẽ đưa khoảng 20 dịch vụ khác lên Cổng DVCQG, đặc biệt là các dịch vụ người dân, doanh nghiệp cần sẽ đưa lên trước, cụ thể như 3 dịch vụ nêu trên những nội dung bàn sâu tại cuộc họp hôm nay.

Đối với việc thực hiện dịch vụ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trong quý I/2020, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, VPCP đã làm việc với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất về giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với dịch vụ này.

VPCP đã có văn bản gửi báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an và đề nghị đồng chí Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện theo phương án cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo phương án này, trước hết sẽ thực hiện áp dụng đối với xử phạt thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai nghiên cứu, xây dựng để tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm nên khó bảo đảm đạt được yêu cầu tích hợp, cung cấp trên Công DVCQG trong quý I/2020.
 


Ảnh: VGP

Về dịch vụ thu lệ phí trước bạ trực tuyến và áp dụng chứng từ điện tử trong nộp lệ phí trước bạ đăng ký xe ô tô, xe gắn máy, hiện nay, ngành thuế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với thu lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, việc triển khai này chưa thực hiện được do ngành công an chưa chấp nhận hóa đơn điện tử khi đăng ký xe ô tô, xe gắn máy; đồng thời, việc thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan công an chưa hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu. Vướng mắc kể trên dẫn đến cá nhân, tổ chức còn mất thời gian, chi phí trong việc thực hiện nộp lệ phí trước bạ.

Đối với cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của người dân về khó khăn, vướng mắc trong việc cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu tháo gỡ.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ động trao đổi, làm việc với Cục Kiểm soát TTHC để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên. Trên cơ sở đó, VPCP đã có văn bản đề nghị Bộ Công an triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân. Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đang nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để triển khai.

Theo ông Ngô Hải Phan, việc triển khai các dịch vụ công trên theo hình thức trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người dân.

"Cụ thể, chỉ tính riêng thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thu nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký xe ô tô, xe gắn máy sẽ giúp tiết kiệm được cho xã hội khoảng 10,4 triệu ngày công và hơn 2.268 tỷ đồng/năm", ông Ngô Hải Phan cho biết.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm, nếu không có biện pháp cải thiện thì khó bảo đảm mục tiêu tích hợp, cung cấp trên Công DVCQG trong quý I/2020.



Ảnh: VGP

Quyết tâm đưa 3 dịch vụ lên Cổng DVCQG trong quý I/2020

Tại cuộc họp, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, nhận thức tầm quan trọng của thu tiền xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện theo lộ trình Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, đại diện đơn vị cho biết hệ thống tra dữ liệu của đầu tư từ năm 2012 và mới thực hiện ở 42/63 tỉnh, thành, đến cuối 2019, thủ tục đấu thầu cho các địa phương còn lại mới hoàn thiện nên đang tập trung sửa đổi phần mềm để đáp ứng yêu cầu.

Đơn vị cho biết sẽ hoàn thiện nhanh nhất để đưa dịch vụ công này lên Cổng DVCQG và chủ động làm việc với VNPT để triển khai. Đơn vị cũng nêu còn vướng mắc do chưa có quy chuẩn hóa trường thông tin giữa Cục Cảnh sát giao thông với Tổng Cục Thuế, hiện 2 bên đang phối hợp để nâng cấp phần mềm đáp ứng yêu cầu.

Đối với ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng có nhiều khó khăn để triển khai nhưng quan trọng nhất là sự quyết tâm của Cục Cảnh sát giao thông và việc triển khai này rất cần sự tham gia của Cục Cảnh sát giao thông. Đại diện Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an Nguyễn Hữu Tài, cho biết sẽ có trách nhiệm đôn đốc nhiệm vụ này đúng kế hoạch.

Đại diện Tổng Cục Thuế cho biết đơn vị cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng và trong quý I/2020 sẽ phối hợp với các triển khai tại Hà Nội và TPHCM. Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Vietcombank, Viettinbank, ví điện tử MoMo... đều cho biết sẵn sàng kết nối để thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ nêu trên trên Cổng DVCQG.

Để triển khai các dịch vụ nêu trên theo hình thức trực tuyến, Cục Kiểm soát TTHC nêu ý kiến đề nghị Bộ Công an bố trí kinh phí, tập trung nguồn lực để chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Bộ Tài chính, đề nghị tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến khai, nộp lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, xe gắn máy trên Cổng DVCQG. Với VNPT, bảo đảm hạ tầng, an toàn, an ninh thông tin và hỗ trợ, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính trong việc tích hợp, kết nối, cung cấp dịch vụ công trực tuyên trên Cổng DVCQG.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong quý I/2020, phải quyết tâm đưa được 3 dịch vụ công nêu trên lên Cổng DVCQG theo đúng mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Từ thời điểm khai trương Cổng DVCQG, các đơn vị đang triển khai hiệu quả như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp tục đẩy 9 dịch vụ công lên Cổng DVCQG (là Tập đoàn gương mẫu đầu tiên đưa 100% dịch vụ công của Tập đoàn được đưa lên Cổng DVCQG), vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cần tiếp tục triển khai hiệu quả để đưa các dịch vụ công tiếp theo lên Cổng DVCQG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an cho thấy tinh thần Bộ Công an là quyết liệt trong vấn đề cải cách, vì vậy, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ quyết tâm và nỗ lực theo đúng tinh thần cải cách này.

Thời gian tiếp theo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các đơn vị có liên quan tại buổi họp rà soát lại toàn bộ phần mềm ứng dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) phối hợp với các đơn vị rà soát, cấu trúc lại các TTHC, cải cách gọn lại về thủ tục, cải cách biên bản, thực hiện biên bản điện tử để tạo điều kiện thanh toán thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Sau Hội nghị, VPCP sẽ tổng hợp báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ về nội dung của cuộc làm việc hôm nay thời gian hoàn thành để đưa các dịch vụ công lên Cổng DVCQG.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)