Hà Nội: Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thứ hai, 21/05/2018 16:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Kế hoạch số 48/KH-UBND ban hành ngày 13-2-2018 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố, năm 2018 Hà Nội đặt ra mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Như vậy, có thể thấy rằng việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được quan tâm thỏa đáng để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh: Viết Thành

Đã cung cấp 502 dịch vụ công trực tuyến

Kể từ năm 2016, với quan điểm hệ thống dịch vụ phần mềm phải liên thông và dùng chung, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, bảo đảm tiêu chí cơ bản liên thông và dùng chung. Năm 2016, thành phố triển khai 7 dịch vụ. Năm 2017, để đẩy mạnh việc cung cấp phục vụ người dân và doanh nghiệp, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 12-1-2017 về vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 - cung cấp 81 dịch vụ công trực tuyến.

Cũng trong năm 2017, thành phố xác định cung cấp 375 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai đợt 1 (theo Công văn số 2847/UBND-KGVX ngày 12-6-2017 của UBND thành phố), tuy nhiên trong quá trình thực hiện một số thủ tục hành chính đã bãi bỏ, hoặc được các bộ ngành triển khai, do vậy điều chỉnh còn 295 dịch vụ.

Năm 2018, Hà Nội chủ trương cung cấp thêm 551 dịch vụ công trực tuyến, trong số này có 269 dịch vụ sẽ thực hiện trong năm 2018 (theo Công văn số 1703/UBND-KGVX ngày 17-4-2018 ban hành danh mục và triển khai dịch vụ công trực tuyến), thì số lượng còn lại là các dịch vụ công trực tuyến chuyển tiếp từ năm 2017 sang. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Việt, Trưởng phòng Ứng dụng công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông), đến thời điểm này Hà Nội đang vận hành 502 dịch vụ công trực tuyến.

Được biết, trong số các dịch vụ công trực tuyến Hà Nội đang vận hành như đã nêu ở trên, ngoài các dịch vụ do Hà Nội triển khai kể từ thời điểm năm 2016 đến nay, còn có hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã dùng từ trước năm 2016 và các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành được các sở, ngành Hà Nội triển khai theo hệ thống ngành dọc.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Như đã nêu ở trên, thành phố đã xác định rõ số lượng (kèm danh mục) cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của các sở, ngành và địa phương. Và để đạt mục tiêu này, các giải pháp đã nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, một trong những giải pháp được thực hiện là tiếp tục triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành có liên quan cùng UBND quận Long Biên xác định "đầu bài" để triển khai. Đến đầu tháng 5-2018, các đơn vị đã rà soát, xây dựng quy trình ISO của các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 theo quy định hiện hành.

Các sở, ban, ngành đã rà soát, thống nhất quy trình giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã theo lĩnh vực đơn vị phụ trách. Đơn vị tư vấn đã hoàn thành khảo sát biểu mẫu, quy trình giải quyết và triển khai công cụ khai báo quy trình thủ tục hành chính để cung cấp trực tuyến - một phân hệ của “Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối các dịch vụ công trực tuyến dùng chung của thành phố”.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Việt, Sở sẽ sớm thí điểm “Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối các dịch vụ công trực tuyến dùng chung của thành phố" và báo cáo UBND thành phố kết quả, đề xuất triển khai mở rộng trong năm 2018.

Về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thành phố cũng xác định tiếp tục theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan đầu mối ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các vướng mắc và thống nhất cách thức, lộ trình thực hiện.

Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan về kỹ thuật, phần mềm, dịch vụ hỗ trợ các cơ quan nhà nước của thành phố. Ngoài ra, các sở, ngành cũng tham gia giải quyết các vướng mắc về nghiệp vụ liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp huyện, xã đang vận hành.

Như đã nêu, trong Kế hoạch số 48/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố, Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể với các tiêu chí rõ ràng thực hiện trong năm 2018. Đó là tiền đề để Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)