Hà Nội: Cải cách hành chính tiếp tục là khâu đột phá

Thứ sáu, 20/12/2019 11:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hơn ba năm triển khai, công tác cải cách hành chính - một trong ba khâu đột phá của thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả cao, thành phố cần tiến hành thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Ảnh: MINH HÀ

Để cụ thể hóa các mục tiêu về cải cách hành chính (CCHC), Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 đã xây dựng Chương trình số 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”. Thành phố Hà Nội xác định, trọng tâm CCHC là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí; tổ chức bộ máy các cơ quan được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

Thực hiện Chương trình số 08, với quyết tâm và hành động nhất quán, thành phố chọn chủ đề công tác năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”. Liên tiếp trong hai năm 2018, 2019, với chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp CCHC mạnh mẽ, vì người dân và doanh nghiệp. Bám sát các nội dung của chương trình, thành phố đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đối với từng nội dung và giao trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương, đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai, nhằm mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ rệt; tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ trên tinh thần năm rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” và “một đầu mối, một việc xuyên suốt”.

Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết: Hơn ba năm qua, tổng số thủ tục hành chính thuộc giải quyết của các đơn vị trực thuộc thành phố là 1.818. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,81%. Thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (trong đó có 1.209 dịch vụ công mức độ 3 và 239 dịch vụ công mức độ 4). Đáng chú ý, trong cải cách tổ chức bộ máy, thành phố triển khai quyết liệt, bài bản. Hiện đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương. Tính đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 08-Ctr/TU cơ bản đã hoàn thành, trong đó đã hoàn thành 11 trong tổng số 15 chỉ tiêu như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt hơn 80%); mức độ hài lòng của người dân - doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính (đạt hơn 80%); tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính (đạt 25,4%). Các chỉ tiêu còn lại thành phố quyết tâm hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhờ siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ, số lượng cán bộ, công chức vi phạm đã giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017, phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 phát hiện năm trường hợp, đề xuất kỷ luật hai trường hợp, rút kinh nghiệm với ba trường hợp; năm 2019 phát hiện mười trường hợp vi phạm, đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý cụ thể.

Trong những năm qua, CCHC thật sự là một điểm sáng trong ba khâu đột phá của thành phố Hà Nội, được Trung ương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hiện, Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội thừa nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt, còn tình trạng công khai thủ tục hành chính đã hết hiệu lực, còn hiện tượng phát sinh thêm các giấy tờ ngoài quy định, thủ tục hành chính chưa đúng gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác CCHC, Sở Nội vụ đã đề xuất Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU tiếp tục coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của thành phố. Mỗi cán bộ, công chức, các cơ quan đơn vị cần xác định công tác CCHC phải được làm thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp ủy đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ có hiệu quả công tác CCHC; đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp.


Theo Nhân dân điện tử 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)