Những hiệu quả bước đầu
Sau khi triển khai thí điểm tại 5 đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh), dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hiện đã triển khai trên khắp cả nước, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Thông qua DVCTT, các đơn vị sử dụng ngân sách không mất thời gian đưa hồ sơ, chứng từ đến kho bạc; độ an toàn, bảo mật cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ.
Một số KBNN các tỉnh, hiện nay đã ứng dụng không dùng tiền mặt, không dùng chứng từ giấy và cán bộ kho bạc không giao dịch trực tiếp với khách hàng. Tại KBNN Lạng Sơn đã áp dụng phương thức “3 không” như trên. Hay như tại KBNN Bình Dương, nếu như năm 2018 toàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị sử dụng DVCTT thì đến nay đã có 798/886 đơn vị tham gia DVCTT, đạt tỷ lệ 90%. Từ tháng 10/2019, KBNN Bình Dương tiếp tục triển khai ứng dụng trên thiết bị điện thoại di động thông minh (smartphone), cung cấp dịch vụ truy vấn số dư tài khoản, giúp chủ tài khoản của các đơn vị sử dụng ngân sách kiểm tra được nguồn kinh phí của đơn vị mình. Tại một số KBNN huyện của Bình Dương đã có 100% đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia DVCTT…
Theo thống kê mới nhất của KBNN, tính đến hết tháng 10/2019, đã có 48.267 đơn vị tham DVCTTvới 123.006 tài khoản sử dụng đang hoạt động. Trong đó, đã có hơn 95,5 nghìn tài khoản thực hiện giao dịch qua hệ thống DVCTT với hơn 16 nghìn hồ sơ phát sinh trung bình hàng ngày. Ngày cao điểm có thể lên tới hơn 29 nghìn hồ sơ. Cũng theo KBNN, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 21.737 đơn vị đăng ký sử dụng DVCTT, đạt 73% kế hoạch (kế hoạch năm 2019 là 29.646 đơn vị).
Hiện nay, tại nhiều KBNN tỉnh, thành phố, hệ thống DVCTT đã hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia sử dụng. Đơn cử như tại KBNN Sơn La, tính đến ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh có 251/260 đơn vị sử dụng ngân sách kết nối thành công với DVCTT của Kho bạc, hoàn thành được 97% kế hoạch. Trong đó, có tới 195 đơn vị thực hiện chuyển tiền qua DVCTT.
Qua dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện quản lý được cán bộ của mình bằng việc kiểm soát, nắm tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi ở từng bước, từng khâu của quy trình. Từ đó làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ; làm cho hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước minh bạch hơn, rõ ràng hơn, phục vụ đơn vị, người dân tốt hơn.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ được hưởng nhiều lợi ích như: không phải mang hồ sơ thanh toán trực tiếp đến KBNN, tiết kiệm thời gian (do các hồ sơ, chứng từ, yêu cầu thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên đã được đơn vị sử dụng ngân sách nhập và truyền qua mạng đến KBNN).
Đồng thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “Kho bạc Nhà nước từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “Kho bạc Nhà nước đang xử lý hồ sơ”; “Kho bạc Nhà nước đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”, lý do từ chối thanh toán; “Hồ sơ sử dụng ngân sách xử lý quá hạn”. Điều này đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của Kho bạc Nhà nước, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ của đơn vị mình.
Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng ngân sách, các thủ tục như: đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; thủ tục giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán đều dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã truyền được chứng từ sang Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện hoàn thiện chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến, kết nối thành công vào Tabmis và trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định.
Tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa hiệu quả
Kho bạc Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tập trung tối ưu hóa phần mềm để sử dụng và tận dụng tài nguyên máy chủ tốt hơn để giảm độ quá tải cho hệ thống; xây dựng phương án lưu trữ điện tử hồ sơ chứng từ trên dịch vụ công và yêu cầu tra cứu hồ sơ, chứng từ theo từng đơn vị giao dịch. Đồng thời, KBNN bổ sung năng lực hạ tầng DVCTT đang vận hành: bổ sung 2 máy chủ (bên cạnh 3 máy chủ ứng dụng đang vận hành); đẩy nhanh tiến độ hạ tầng để quý I/2020 có hạ tầng cho triển khai theo kế hoạch 2020.
Mục tiêu năm 2019 là triển khai DVCTT tại tất cả các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện. Trong những tháng cuối năm 2019, KBNN đề nghị KBNN tỉnh tạm ngưng mở rộng thêm đơn vị giao dịch với KBNN cấp huyện, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh việc triển khai DVCTT đối với KBNN cấp tỉnh, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, KBNN tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án trong hệ thống. Theo đó, các đơn vị triển khai diện rộng khối chức năng xử lý nghiệp vụ tổng kế toán để thực hiện tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước các cấp; xây dựng và triển khai phiên bản DVCTT cho phân luồng giữa phòng kiểm soát chi và phòng kế toán tại KBNN cấp tỉnh theo phương án thống nhất đầu mối kiểm soát chi; tiếp tục thực hiện theo tiến độ việc xây dựng các DVCTT mức độ 4 còn lại (trong đó xây mới 3 DVCTT mức 4 và chuyển đổi 1 DVCTT từ mức 3 lên mức 4); nâng cấp chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi ngân sách nhà nước và huy động vốn hàng ngày.
KBNN cũng sẽ triển khai xây dựng Kiến trúc các hệ thống công nghệ thông tin của KBNN theo hướng hình thành kho bạc điện tử và kho bạc số theo định hướng phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nguồn lực để triển khai Dự án Tăng cường năng lực quản trị vận hành hệ thống công nghệ thông tin, KBNN sớm đưa hệ thống vào hoạt động từ cuối năm 2019…/.
Theo Dangcongsan.vn