Trong Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đồng thời, “Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đặt mục tiêu: “Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia”.
Mục tiêu nêu trên là rất to lớn và đầy thách thức, đòi hỏi sự đồng lòng của cả hệ thống, giúp tạo thuận lợi thương mại.
Tuy nhiên, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Một trong những nguyên nhân là một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Hiện nay, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã được xây dựng và đưa vào vận hành, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cơ bản được bảo đảm. Như vậy, về mặt kỹ thuật, thông tin mà doanh nghiệp gửi đến Cổng Thông tin một cửa quốc gia sẵn sàng được tiếp nhận và gửi đến các bộ, ngành có liên quan. Mặc dù vậy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính. Vì thế, để có thể triển khai đầy đủ, thành công Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các bộ, ngành trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Để có thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia một cách hiệu quả cũng đòi hỏi các bộ, ngành đổi mới phương pháp thực hiện, đặc biệt là phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu,
giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn
Về phía doanh nghiệp, một trong những trở ngại của doanh nghiệp khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia là chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang phương thức điện tử. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp phải chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc chuẩn bị hồ sơ, sử dụng phương thức điện tử trong giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, sự tích cực, chủ động và chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ), một số doanh nghiệp vẫn còn chưa thích ứng kịp và chưa tham gia thực hiện các thủ tục bằng phương thức điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thực hiện song song thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và theo phương thức thủ công (hồ sơ bản giấy). Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy nhanh việc rà soát, thống nhất thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và thực hiện thí điểm thuê dịch vụ trong cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Mục tiêu hoàn thành
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; toàn bộ các cơ quan Chính phủ có liên quan được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia… Mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính; tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa; đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử…
Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính mới đây, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ chế một cửa ASEAN được triển khai chính thức từ tháng 11/2014. Hiện, đã có 11 bộ, ngành đã kết nối và mới thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu mục tiêu đến hết năm 2018 là: Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai mới 130 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ và phấn đấu đạt 143 thủ tục hành chính theo kết quả rà soát và cam kết mới nhất của các bộ, ngành (con số gần gấp 3 lần thủ tục đã thực hiện).
“Trong số này, dù một số bộ, ngành đã tích cực triển khai nhưng để đạt mục tiêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi các đơn vị phải hết sức nỗ lực. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng, nếu bộ, ngành nào làm chậm, thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã lưu ý các đơn vị.
Để thực hiện các mục tiêu, Tổng cục Hải quan dự kiến đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với thủ tục hành chính trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế; Xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ triển khai theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng Thông tin một cửa quốc gia…
Ngay trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020; Quyết định về việc bổ sung nhiệm vụ điều phối hoạt động logistics vào Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899; trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.
Theo chinhphu.vn