Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2015, BCĐ đã tập trung chỉ đạo sát sao của hoạt động CCHC, góp phần công khai minh bạch, chống tham nhũng, phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh và tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Đặc biệt, công tác cải cách thể chế đạt nhiều kết quả với việc đã ban hành 27 đạo luật, hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; nhiều đề án, dự án được triển khai thực hiện như: Đề án mã số công dân, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân. Việc rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính đã tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp; thí điểm mô hình hành chính công ở một số tỉnh, thành phố; sắp xếp kiện toàn bộ máy tổ chức ở Trung ương và địa phương, ban hành Nghị định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; đề án tinh giản biên chế và vị trí việc làm; ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử; truyền thông về CCHC... cũng đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ hạn chế, yếu kém trong công tác này, văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm, nợ đọng; thủ tục hành chính vẫn rườm rà...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2015-2020, trong đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về CCHC.
Bộ Nội vụ khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành về chương trình cải cách cụ thể năm 2016; triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chú ý nguyên tắc phân cấp, sửa đổi những quy định bất hợp lý, khắc phục những bất cập hiện nay.
Thủ tục hành chính phải thực hiện theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực. Nâng cao chất lượng cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng chỉ số hài lòng của nhân dân tại các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục triển khai xã hội hóa dịch vụ công...
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, trong năm 2015, thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.
Cải cách công vụ, công chức là trọng tâm của CCHC cũng đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhiều nội dung nhiệm vụ được ban hành tại Quyết định số 19/QĐ-BCĐCCHC về kế hoạch hoạt động năm 2015 của BCĐ CCHC đã được các thành viên tích cực triển khai, hoàn thành được khối lượng công việc lớn, đạt kết quả tích cực.
Các thành viên BCĐ đã tổ chức kiểm tra CCHC theo ngành hoặc lĩnh vực tại một số bộ và địa phương. Thông qua đó, CCHC đã được triển khai đồng bộ, bảo đảm được định hướng chung của Chính phủ, các bộ, ngành.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến còn có sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện (ví dụ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh chưa thống nhất với Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông).
Một số bộ chưa hoàn thành việc ban hành thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP.
Một số bộ, ngành còn chưa quan tâm nhiều đến công tác CCHC. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC là kiêm nhiệm; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao, chưa thể hiện đổi mới tư duy trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức.
Sự quan tâm đầu tư về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác CCHC còn chưa nhiều. Việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ CCHC còn chậm...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị các thành viên BCĐ cần chỉ đạo bộ, ngành mình xây dựng chương trình CCHC năm 2016 và góp ý cho các bộ, ngành khác; tập trung chỉ đạo cải cách về thể chế, bảo đảm chất lượng và tiến độ; khi đã được thông qua phải khẩn trương xây dựng hướng dẫn cụ thể để chương trình CCHC đi vào cuộc sống.
Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (như khoán chi cho đơn vị hành chính, tự chủ với đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa một số lĩnh vực) để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; thực hiện quản lý Nhà nước ngành, lĩnh vực được phân công từ Trung ương đến địa phương.
Tính đến tháng 12/2015, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.481/4.723 TTHC và đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt tỉ lệ 94,87%).
Về kết quả tinh giản biên chế, tính đến ngày 11/1/2016, đã có 25 lượt bộ, ngành và 79 lượt địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016, với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế 9.595 người. Trong đó khối Đảng, đoàn thể là 339 người; khối hành chính là 1.204 người; khối sự nghiệp 5.999 người; khối cán bộ, công chức cấp xã là 2.004 người; doanh nghiệp Nhà nước là 49 người. |
Theo Chinhphu.vn