Chiều 27/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan (Đề án 896) chủ trì tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) 896, năm 2014, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp sổ định danh cá nhân với 2 dự luật là Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai Đề án 896.
Đến nay, 2 luật trên đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, 2 Luật này đã cụ thể hóa các quan điểm của Đề án 896 như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án khả thi về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì đến nay vẫn chưa được triển khai do chưa tìm được nguồn vốn bảo đảm cho việc xây dựng.
Về hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, Văn phòng BCĐ đã xây dựng hướng dẫn và các biểu mẫu gửi các bộ, ngành thực hiện việc hệ thống hóa. Đồng thời, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các bộ, ngành.
Theo kế hoạch, các bộ, ngành đã thực hiện xong việc hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư báo cáo BCĐ.
Theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư, hiện tại có 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân, 1.211 giấy tờ là kết quả giải quyết TTHC có các thông tin cơ bản của công dân, 71 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành có thông tin cơ bản của công dân trong tổng số 608 văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, BCĐ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia có vai trò quan trọng trong triển khai các nội dung cải cách tại Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, là một nội dung quyết định sự thành công của Đề án 896. Tuy nhiên, qua nhiều lần thảo luận, đến nay dự án khả thi để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa được phê duyệt, nên nảy sinh tâm lý băn khoăn đối với sự thành công của đề án.
Việc hệ thống hóa một số bộ, ngành còn mang tính hình thức nên nhiều báo cáo thống kê còn chưa đầy đủ số lượng các TTHC thuộc phạm vi Đề án 896; không triển khai việc ban hành các văn bản quy phạm làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp số định danh cá nhân.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, BCĐ xác định: Cần giải quyết vướng mắc về nguồn vốn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm phê duyệt dự án khả thi cơ sở quốc gia về dân cư để triển khai xây dựng.
Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2015 của BCĐ làm cơ sở cho các bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2015 của bộ, ngành mình.
Phê duyệt các dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghị định về kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, chỉnh sửa sử dụng thông tin, lộ trình kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; dự thảo nghị định về cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự và thủ tục cấp số định danh cá nhân.
Đồng thời, phê duyệt dự thảo về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ thông qua và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung triển khai đề án, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đề án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong việc tổ chức soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật quan trọng là Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch làm cơ sở quan trọng thực hiện Đề án 896.
Việc tháo gỡ nguồn vốn để phê duyệt khả thi đề án là việc làm cấp thiết hiện nay, đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát, hệ thống hóa các TTHC có liên quan đến thông tin công dân trong năm 2015 để năm 2016 tổ chức thực hiện.
Đồng thời, xây dựng văn bản pháp quy để triển khai thực hiện Đề án thực sự hiệu quả khi cấp số định danh cá nhân; tổ chức thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân cần bảo đảm hệ thống hóa, không gây phiền hà cho nhân dân.
Bộ Công an phối hợp với các bộ tổ chức tập hợp, đối chiếu các thông tin để cập nhật số liệu liên quan; về số định danh cá nhân cần tham khảo các nước để việc xây dựng 12 số định danh cá nhân sao cho không bất cập, khó khăn, có cơ sở khoa học.
Văn phòng BCĐ thường xuyên cập nhật thông tin, tìm hiểu những khâu yếu, chậm để có giải pháp giải quyết; các thành viên chủ động, đề cao trách nhiệm, phối hợp tốt hơn nữa việc thực hiện Đề án 896 thành công.
Theo : chinhphu.vn