Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua CCHC tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng thực tế cuộc sống cho thấy người dân vẫn còn kêu ca nhiều về thủ tục hành chính, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành vẫn còn “đẩy qua, đẩy lại”, chưa đặt mục đích cao nhất là lợi ích của người dân trong quá trình phục vụ. Vẫn còn 8 Đề án, dự án chương trình đặt ra chưa được phê duyệt đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ.
Riêng cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng đánh giá đã có nhiều cố gắng, tác động đến người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn, song nhiều Bộ ngành, địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, triển khai nhanh hơn đề án tổng thể về CCHC. Trong đó cần xác định công tác công vụ là trọng tâm của đổi mới, trong đó có tuyển chọn công chức; vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế còn gây nhiều bức xúc trong dư luận…
“Những người càng gần dân càng phải có đạo đức nghề nghiệp tốt”, Phó Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trên cơ sở Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, đến nay các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch cải cách hàng năm và kế hoạch 2011-2015. Hiện đã xây dựng và phê duyệt được 7/14 đề án về cải cách hành chính quy mô quốc gia để có cơ sở triển khai Chương trình tổng thể CCHC.
Trong đó, có một số đề án quan trọng đã được phê duyệt như xác định chỉ số CCHC của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh; đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức làm công tác CCHC; đề án cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công; đề án đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công…
Đặc biệt, công tác cải cách thể chế được triển khai khẩn trương với việc xây dựng, ban hành Nghị định khung về các Bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn 8 đề án CCHC quy mô cấp quốc gia theo Chương trình cải cách tổng thể chưa được xây dựng và phê duyệt. Trong đó có những đề án rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Đề án xây dựng và đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công do Bộ Y tế chủ trì; đến năm 2015 có 50% cơ quan hành chính nhà nước xác định xong vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch nhưng đến nay triển khai rất chậm.
Về các giải pháp cấp bách, trọng tâm thời gian tới, Bộ Nội vụ kiến nghị sớm kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ để chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính đối với đội ngũ chuyên trách làm công tác CCHC; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện CCHC với những biện pháp thích hợp; công tác chỉ đạo điều hành phải được đẩy mạnh hơn nữa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần khẩn trương hoàn thiện các đề án, dự án thuộc Chương trình tổng thể CCHC đã đề ra. Đặc biệt là vai trò nòng cốt của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trong việc đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC trong thời gian tới.
Theo : chinhphu.vn