Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng cọc xi măng - tro bay - cốt liệu CFG để xử lý nền móng công trình xây dựng tại Việt Nam”

Thứ sáu, 07/12/2018 09:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 6/12/2018, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng cọc xi măng - tro bay - cốt liệu CFG để xử lý nền móng công trình xây dựng tại Việt Nam” do trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện. PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

PGS.TS. Bùi Phú Doanh trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh đề tài

Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt đề tài tại cuộc họp, thay mặt nhóm tác giả, Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Bùi Phú Doanh nêu lên lý do, sự cần thiết phải thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng cọc xi măng - tro bay - cốt liệu CFG để xử lý nền móng công trình xây dựng tại Việt Nam”, đồng thời cho biết, cọc CFG là cọc bê tông nghèo được tạo thành khi phối trộn xi măng, tro bay, đá, cát, sỏi với nước. Phương pháp này do Viện Nền móng thuộc Học viện Nghiên cứu công trình Trung Quốc nghiên cứu sáng chế vào năm 1985.

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu sử dụng phụ gia tro bay trong hỗn hợp bê tông xi măng cường độ thấp, nghiên cứu sự phát triển cường độ khi thay đổi tỷ lệ tro bay, xác lập tương quan giữa cường độ mẫu bê tông khi phối trộn tro bay với các tỷ lệ khác nhau, ứng dụng bước đầu trong xử lý nền bằng cọc CFG.

Bên cạnh đó, đề tài còn nghiên cứu tổng quan về sử dụng cọc CFG trên thế giới và Việt Nam, làm rõ mô hình lý thuyết, cơ chế phá hoại và điều kiện ứng dụng cho các loại công trình, nghiên cứu thí nghiệm hiện trường, xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu cho giải pháp xử lý nền bằng cọc CFG.

PGS.TS. Bùi Phú Doanh cho biết, hiện nay trên thế giới, Mỹ và các nước châu Âu đã ứng dụng tro bay trong bê tông xây dựng đập ngăn nước, các nhà máy điện, công trình biển, đường cao tốc, sân bay, các tòa nhà thương mại, cầu đường giao thông. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng phụ gia tro bay trong bê tông xử lý nền móng, xây dựng đường giao thông, xây dựng cảng, san lấp mỏ, chất gia cường cho cao su. Ấn độ sử dụng tro bay sản xuất gạch tro bay, gạch ốp lát và các khối rỗng trong xây dựng, xây dựng kè, san lấp hầm mỏ…

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hỗn hợp bê tông xi măng sử dụng tro bay của 3 đơn vị khác nhau, gồm: Đạm Ninh Bình, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Phả Lại. Kết quả khảo sát cho các loại cấp phối với tỷ lệ tro bay tham gia hỗn hợp là khác nhau, từ đó đề tài lựa chọn tỷ lệ tro bay trong hỗn hợp đảm bảo chất lượng sử dụng cho các cọc CFG.

Để hoàn chỉnh Báo cáo thuyết minh đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã đưa ra những nhận xét, góp ý về chuyên môn, giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa Báo cáo. Theo Hội đồng, Báo cáo thuyết minh đề tài được trình bày rõ ràng, logic, dễ hiểu, song cần chỉnh sửa một số hình ảnh, lỗi đánh máy, sử dụng thống nhất ký hiệu, thuật ngữ.

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) - Chủ tịch Hội đồng kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh đánh giá cao sự cần thiết, ý nghĩa thực tiễn của đề tài trong việc góp phần xử lý tro bay ở các nhà máy nhiệt điện, đồng thời đánh giá nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo hợp đồng, đảm bảo chất lượng.

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh đề nghị nhóm nghiên cứu nêu rõ yêu cầu kỹ thuật đầu vào của tro bay, khuyến cáo chiều dài phù hợp của cọc CFG, rà soát toàn bộ Báo cáo, chỉ dẫn kỹ thuật nhằm đảm bảo các thuật ngữ được sử dụng thống nhất, chỉnh sửa các lỗi đánh máy, đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện Báo cáo, chỉ dẫn kỹ thuật, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng cọc xi măng - tro bay - cốt liệu CFG để xử lý nền móng công trình xây dựng tại Việt Nam”, với kết quả đạt loại Khá.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)