Phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng Thành phố Hà Nội

Thứ năm, 20/12/2018 12:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc nhà cao tầng là quá trình phát triển tất yếu của đô thị trong bối cảnh điều kiện quỹ đất hạn chế, dân số đô thị tăng cao, việc phát triển lên cao hoặc ngầm xuống đất là giải pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt, làm việc và hạ tầng của người dân đô thị. Thủ đô Hà Nội đang phát triển mở rộng nhanh chóng, đang từng bước kết hợp với hệ thống các đô thị của các địa phương lân cận tạo nên vùng đô thị lớn trong tương lai gần, với quy mô dân số, mật độ dân số tăng cao. Việc phát triển nhà cao tầng trong giai đoạn vừa qua đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho công tác quản lý phát triển đô thị, nhận được nhiều đánh giá không tích cực từ dư luận xã hội, các công trình cao tầng trong khu vực nội đô đã tạo áp lực rất lớn dẫn tới quá tải cơ sở hạ tầng đô thị.

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 xác định khu vực nội đô lịch sử mở rộng từ vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ. Đây là khu vực có diễn biến đô thị hóa mạnh nhất trong thời gian qua, nhiều loại hình công trình kiến trúc cao tầng đã được xây dựng làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ đô Hà Nội. Quy định quản lý của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Quy định quản lý của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội định hướng xây dựng công trình cao tầng tại khu vực nội đô mở rộng, gắn với các dự án khu đô thị mới, để dành quỹ đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, bãi đỗ xe, hồ điều hòa.

Thực tế phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, vấn đề kiểm soát công trình cao tầng cần phải được đặc biệt coi trọng, bối cảnh xây dựng của các công trình cao tầng rất đa dạng: trong các dự án khu đô thị mới, các công trình xen cư, các công trình cơ quan, cơ sở sản xuất chuyển đổi, nhà tập thể cũ được xây dựng lại…đã tạo nên sự hỗn loạn trong không gian đô thị với chiều cao, kích thước, hình khối, kiến trúc, màu sắc khác nhau. Các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt chưa cho thấy tình hữu hiệu trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc nhà cao tầng. Quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2017 chỉ giới hạn phạm vi trong nội đô lịch sử, không kiểm soát cho các khu vực khác của đô thị. Thành phố Hà Nội cần sớm có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà cao tầng cụ thể cho các khu vực phát triển đô thị, để làm công cụ cho chính quyền các cấp quản lý xây dựng và người dân giám sát thực hiện. Hạ tầng đô thị là nền tảng cho xây dựng và phát triển nhà cao tầng, mặc dù nhà cao tầng của chúng ta chưa nhiều, mật độ nhà và mật độ dân số chưa phải lớn so với các đô thị phát triển trên thế giới như: Tokyo – Nhật Bản, Seoul – Hàn Quốc, Thượng Hải – Trung Quốc, Hồng Kông… tuy nhiên, các thành phố này đều được xây dựng trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển. Trong khi đó, đô thị trung tâm liên tục được mở rộng, nhiều nhà cao tầng được xây dựng nhanh chóng, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đô thị đầu tư không nhiều, chậm được hình thành theo quy hoạch. Đây là nguyên nhân căn bản gây tắc đường ngày càng nghiêm trọng, ngập lụt mỗi khi có mưa, ô nhiễm khói bụi và nguồn nước ở mức báo động.

Cách thức triển khai dự án đô thị hiện nay gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển đô thị, căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân, khu các nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư trên cơ sở lô đất cụ thể với nhiều hình thức, kích thước khác nhau, các đề xuất quy hoạch kiến trúc chủ yếu nghiên cứu trong phạm vi lô đất, chưa nghiên cứu ra tổng thể đô thị, không quan tâm tới sự liên kết, kết nối không gian đô thị, nhiều công trình cao tầng được xây dựng chen trúc giữa khu dân cư thấp tầng gây lộn xộn về không gian, nhiều dự án kế cận nhau có kiến trúc khá mâu thuẫn và hầu hết các dự án cao tầng được hình thành đã gây quá tải nghiêm trọng tới hạ tầng kỹ thuật tại khu vực. Cách thức phát triển như vậy hoàn toàn khác với các đô thị trên thế giới, đó là khu vực nào được xây dựng nhà thấp tầng và khu vực nào được xây dựng nhà cao tầng được quy định rõ ràng. Kiến trúc công trình cao tầng cũng là vấn đề đáng bàn, khác với công trình thấp tầng, công trình nhà cao tầng có thể quan sát nhận biết từ rất xa (5-10km), tác động tới cảm nhận thẩm mỹ của không gian đô thị của người dân. Với hàng ngàn công trình nhà cao tầng được xây dựng trong thời gian qua, chỉ số ít các công trình tòa nhà văn phòng cao cấp là có sự chăm chút về hình ảnh kiến trúc, vỏ bao che, tạo nên công trình kiến trúc đẹp, hầu hết các công trình cao tầng hiện nay là dạng nhà ở chung cư, kiến trúc không được chọn lựa, xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng…dẫn tới sự nhếch nhác trong kiến trúc đô thị của Hà Nội. Cần có những quy định cụ thể cho công tác quản lý kiến trúc nhà cao tầng, cùng với đó là quy trình lựa chọn phương án kiến trúc công trình cao tầng.

“Nhà cao tầng không có tội’, “xây dựng nhà cao tầng là cần thiết” nhưng công trình cao tầng phải được đặt đúng chỗ, đúng bối cảnh của nó, đó là điều kiện hạ tầng cho phép, kết nối hài hòa về kiến trúc cảnh quan tại khu vực và kiến trúc công trình đẹp. Đề xuất khuyến nghị chính quyền Hà Nội và Bộ Xây dựng một số giải pháp trong quản lý quy hoạch kiến trúc nhà cao tầng như sau:

- Phải xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi xây dựng nhà cao tầng: Khi chúng ta chưa cải thiện được hệ thống hạ tầng khung, hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch của từng khu vực, chúng ta chưa chấp thuận đầu tư xây dựng các công trình cao tầng.

- Lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà cao tầng cho tất cả các khu vực đô thị để là công cụ quản lý: Ngoài những công cụ quy hoạch truyền thống, cần bổ sung các quy định, quy chế riêng cho kiểm soát kiến trúc hạ tầng, nghiên cứu cụ thể cho từng khu vực, từ đó hình thành bộ quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà cao tầng cho các khu vực phát triển đô thị của Thành phố. Trong đó, đặc biệt coi trọng các khu vực cần phải bảo tồn di sản như khu vực nội đô, các khu vực có điều kiện hạ tầng yếu kém, khu vực cảnh quan cần bảo vệ.

- Phát triển nhà cao tầng tập trung từng khu vực: theo mô hình đô thị nén, là những khu vực có khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các khu vực phía Bắc sông Hồng, Đông vành đai 4, đô thị vệ tinh nên phát triển các khu đô thị tập trung cao tầng, dành không gian cho phát triển hạ tầng, công viên bãi đỗ xe.

- Kiểm soát chặt chẽ kiến trúc công trình cao tầng: Coi trọng việc quản lý kiến trúc công trình cao tầng, không để chủ đầu tư toàn quyền quyết định kiến trúc công trình cao tầng, chất lượng công trình, an toàn phòng chống cháy…Tiến tới hình thành hình thái kiến trúc cao tầng cho từng khu vực, gắn với các chỉ dẫn thiết kế đô thị cụ thể, không để tình trạng có nhiều công trình cao tầng với chiều cao khác nhau, hình thái kiến trúc khác nhau trên cùng một khu vực.

- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc lựa chọn, giám sát đối với các dự án công trình cao tầng: Công trình kiến trúc cao tầng có tác động rất mạnh tới người dân, cộng đồng và đô thị, do đó cộng đồng cần có sự tham gia vào việc hình thành phát triển và lựa chọn kiến trúc công trình cao tầng để hạn chế tác động tiêu cực tới cộng đồng và đô thị.

- Nghiên cứu kỹ lưỡng về công trình cao tầng trong nội dung thiết kế đô thị của các đồ án quy hoạch: TKĐT là bộ môn khoa học nghiên cứu 3 chiều, trong đó chiều thứ 3 chính là chiều cao của các công trình kiến trúc trong đô thị. Hiện nay nội dung TKĐT trong các đồ án quy hoạch còn hình thức, chưa đủ kỹ lưỡng.

- Yêu cầu bổ sung đánh giá tác động tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trước khi cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng: trong đó chú trọng tới hệ thống đường giao thông và hệ thống thoát nước xung quanh.

- Bổ sung hệ số sử dụng đất trong Quy chuẩn Việt Nam về QHXD: trong quy chuẩn cũ đã từng có thông số này, tuy nhiên QC01/2008 đã bỏ đi. Thực tiễn thế giới và trong nước thời gian qua cho thấy HSSDĐ là hết sức quan trọng, gisp khống chế chiều cao của công trình trong mối tương quan với mật độ xây dựng và diện tích lô đất. 

- Không khống chế ngưỡng tầng cao tối đa cho toàn đô thị: các nghiên cứu về kiểm soát chiều cao của các đô thị trên thế giới cho thấy rất ít các quốc gia áp đặt ngưỡng chiều cao tối đa. Tầng cao của từng lô đất, từng khu vực cần được  nghiên cứu chuyên đề. Có những khu vực cần khống chế để đảm bảo mỹ quan, bảo vệ điểm nhìn, có những khu vực cho phép cao không giới hạn…Nhà cao tầng là một nguồn thu tài chính lớn cho đô thị và vì vậy không nên hạn chế phát triển theo cách duy ý chí mà cần cho phép phát triển có kiểm soát.

- Nếu cần thiết, thành phố Hà Nội có thể đề xuất làm đồ án riêng về Quy hoạch chiều cao.
 

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 94/2018)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)