Chiến lược khoa học công nghệ ngành Xây dựng: Tập trung phát triển nhà ở xã hội, công trình biển đảo

Thứ năm, 20/06/2013 13:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghiên cứu chế tạo vật liệu, phát triển công nghệ xây dựng, phương pháp quản lý tối ưu về giá, chất lượng, môi trường... cho nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng; phát triển xây dựng công trình trên biển, đảo; làm chủ công nghệ xây dựng các công trình phức tạp như nhà máy điện nguyên tử, công trình ngầm đô thị là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng ban hành.

Đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn

Bộ Xây dựng rất quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ. Chính quá trình hội nhập kinh tế quốc tế càng ngày càng sâu rộng, cùng đòi hỏi của thực tiễn phát triển của đất nước tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực của ngành. Vì vậy có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng khoa học công nghệ xây dựng phát triển mạnh thời gian qua đã góp phần không nhỏ tạo dựng bộ mặt đô thị, nông thôn trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều công nghệ xây dựng tiên tiến của thế giới được ứng dụng tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Ngành. Những khu đô thị hiện đại với chung cư cao vài chục tầng, công nghệ xây dựng công trình có chiều cao lớn, quy mô rộng, công nghệ đo đạc khống chế độ nghiêng hay sai lệch, công nghệ xử lý nền móng vững chắc đặc biệt trên nền đất yếu, những khu công nghiệp lớn với nhà máy hiện đại do chúng ta thiết kế, chế tạo... đã được triển khai xây dựng thành công.

Đất nước ta vẫn đang vững bức trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa với yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi đầu, tạo thế và lực vững chắc phát triển đất nước trong tương lai. Nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi từ thực tiễn và xu thế phát triển của ngành Xây dựng trong tương lai, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020 tầm nhìn 2030 vừa được ban hành sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng làm chủ các công nghệ đã và đang sử dụng trong khu vực và trên thế giới vào các hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Ưu tiên nhà ở xã hội, phát triển công trình biển đảo

Chiến lược đã xác định mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực khoa học công nghệ của Ngành trong công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, tư vấn xây dựng, tiêu chuẩn quy chuẩn và nguồn nhân lực. Trong đó, phát triển và ứng dụng các công nghệ xây dựng phục vụ phát triển bền vững, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm tài nguyên, công nghệ chế tạo vật liệu xây dựng mới có tính năng cao, vật liệu thân thiện với môi trường, công nghệ tái chế, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, điểm dân cư nông thôn, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nghiên cứu quy hoạch, quản lý và phát triển xây dựng không gian ngầm đô thị được đặc biệt nhấn mạnh.

Đặc biệt, nghiên cứu chế tạo vật liệu, phát triển công nghệ xây dựng, phương pháp quản lý tối ưu về giá, chất lượng, môi trường... cho nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng; phát triển xây dựng công trình trên biển, đảo; làm chủ công nghệ xây dựng các công trình phức tạp như nhà máy điện nguyên tử, công trình ngầm đô thị là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Tạo môi trường phát triển khoa học công nghệ

Để triển khai thành công Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường khoa học và công nghệ phát triển; có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; nghiên cứu chuyển giao đặc biệt là nghiên cứu có tính đột phá về khoa học và công nghệ xây dựng; mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ; xây dựng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trở thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất theo cơ chế thị trường, hình thành một số trung tâm mạnh, hấp dẫn các DN trong nước và quốc tế; đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên mọi lĩnh vực, đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế sản xuất của ngành Xây dựng, đáp ứng với hội nhập quốc tế.

Hàng năm nguồn vốn dành cho khoa học và công nghệ do ngân sách Nhà nước cấp từ 80 - 100 tỷ đồng. Để phát triển mạnh khoa học công nghệ cần 150 - 200 tỷ đồng/năm nên việc huy động thêm các nguồn vốn khác từ DN, dự án hợp tác quốc tế... việc huy động các trường, viện, DN ngoài Ngành, các đơn vị khoa học và công nghệ thuộc sở hữu tư nhân tham gia phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển chung của Ngành, đồng thời sử dụng vốn có trọng tâm, tránh dàn trải, đảm bảo hiệu quả, có sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn là rất cần thiết.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)