Cấu trúc không gian tổng thể đô thị Quy Nhơn

Thứ tư, 11/06/2014 11:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềXác định đúng mô hình cấu trúc không gian tổng thể đô thị trong thiết kế quy hoạch đô thị có ý nghĩa quyết định sự phát triển lâu dài và bền vững của đô thị. Trường hợp Quy Nhơn không phải là ngoại lệ. Và để tham gia xác định mô hình cấu trúc không gian tổng thể đô thị Quy Nhơn, quá trình phân tích hiện trạng đô thị từ góc độ cảnh quan học có vai trò quan trọng. 

Xét từ góc độ cảnh quan học, đô thị là một phứ hệ kinh tế- sinh thái (tự nhiên và nhân văn). Đô thị chỉ có thể phát triển hợp lý và bền vững trong sự cân bằng giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Điều đó cho thấy, cảnh quan học cùng với các chuyên ngành liên quan khác góp phần tích cực trong quá trình xây dựng đô thị. Nói rộng hơn, cảnh quan học góp phần hoàn thiện đô thị học.

Cấu trúc không gian đô thị không chỉ được hiểu là môi trường vật chất cho các hoạt động của chức năng đô thị mà còn là, và ngày càng được chú trọng với ý nghĩa là bộ khung tạo nên hình ảnh đô thị có bản sắc. Đó cũng chính là bản sắc văn hóa đô thị, cần thiết trong một thế giới đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa. Vì thế, trong quy hoạch đô thị, việc chọn mô hình và thiết lập cấu trúc không gian đô thị hợp lý là quan trọng nhưng không dễ.

Trên thực tế, cấu trúc không gian đô thị có thể được hình thành bằng ý chí độc đoán của con người. Đây không phải là trường hợp phổ biến. Thông thường cấu trúc không gian đô thị được xác định trên cơ sở phân tích tổng hợp các yếu tố với quy luật chuyển hóa liên tục, trong đó có điều kiện cảnh quan, hướng tới sự phát triển hợp lí trong sự cân bằng với môi trường tự nhiên và phát huy những giá trị văn hóa bản địa. Nói cách khác, cấu trúc không gian đô thị là một thành phần cảnh quan nhân tạo, được thiết kế hợp lý, chỉ khi tạo được sự cân bằng với hệ thống cảnh quan tự nhiên. Ở ta, đây là khâu còn yếu trong quy trình lập quy hoạch đô thị hiện nay.

Đối với trường hợp thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, bên cạnh phân tích hiện trạng nhiều mặt cùng với việc đánh giá quá trình thực hiện Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn (2004) và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội (2005), cần thiết phân tích kỹ lưỡng và có phương pháp về hiện trạng cảnh quan, để xác định các giá trị riêng biệt và nổi bật của hệ thống cảnh quan, như là một tài nguyên quý giá cần được đặc biệt chú trọng. Từ đó đề xuất cấu trúc không gian đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận hợp lý và có đặc trưng.

2. Phân tích cảnh quan tự nhiên của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.

2.1. Bản chất của phân tích cảnh quan:

Có cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo. Cảnh quan thường gặp, trong đó có cảnh quan đô thị là sự kết hợp giữa các thành phần của cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo. Cảnh quan tự nhiên là sự kết hợp các yếu tố cấu thành, bao gồm: địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, hệ sinh vật. Còn cảnh quan nhân tạo, kể cả cảnh quan hoạt động do con người tạo ra vì cuộc sinh tồn khi can thiệp vào môi trường cảnh quan tự nhiên. Đó chính là bộ mặt địa hình thái, là cảnh quan tự nhiên đã được nhân văn hóa, vì thế luôn thể hiện những đặc trưng hình thái có sự khác nhau giữa vùng này và vùng khác.

Có thể nhận thấy một cách rõ ràng là, phân tích cảnh quan đô thị, đặc biệt là phân tích cảnh quan tự nhiên có ý nghĩa góp phần điều chỉnh sự can thiệp của chính con người vào môi trường tự nhiên theo hướng hợp lý, đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt và sự phát triển bền vững của đô thị.

Như vậy, phân tích cảnh quan, hay phân tích địa hình thái được nhân văn háo của khu vực chính là để hiểu và nhận diện được những đặc điểm và giá trị của cấu trúc cảnh quan, góp phần tạo dựng cấu trúc không gian đô thị hợp lý có đặc trưng, đảm bảo hài hòa giữa cấu trúc tự nhiên và nhân tạo.

2.2. Cảnh quan tự nhiên thành phố Quy Nhơn và vùng lân cận:

Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận có các dạng địa hình: núi, gò đồi (cao độ 200-700m) rải rác với những dải đất sườn đồi không lớn, xen kẽ, còn lại là đồng bằng thấp với đầm phá và bờ biển dài, nhiều cồn cát tự nhiên. Cảnh quan tự nhiên đặc trưng của Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận gồm:

- Bờ biển đẹp, đa dạng trong sự kết hợp với cảnh quan nông nghiệp, đầm phà hoặc cảnh quan núi, rừng như trường hợp Khe gió, Nhơn Lý trên bán đảo Phương Mai, hay Bãi Dài, Ghềnh Ràng Tiên Sa, Quy Hòa ở trung tâm thành phố Quy Nhơn,…

- Đầm Thị Nại có giá trị đa dạng sinh học của vùng sinh thái ngập mặn. Ngoài giá trị cảnh quan độc đáo, Đầm Thị Nại với hệ thống rừng ngập mặn kết hợp với hệ thống rừng trồng bao quanh giữ vai trò là lá phổi xanh, điều hòa khí hậu của khu vực.

- Khu vực đồng bằng thấp, thuộc hạ lưu của 2 con sông Sông Côn và Sông Hà Thanh là vùng thường bị Ngập, lụt và lũ do nước từ thượng nguồn Tây Nguyên đổ về, kết hợp với đầm Thị Nại tạo nên cảnh quan văn hóa nông nghiệp trải rộng và có đặc trưng.

- Hệ thống núi, rừng bao quanh, tạo nên những điểm cảnh quan hấp dẫn, đặc biệt là dãy núi Phương Mai ở vị trí quan trọng, làm thành một điểm nhấn tự nhiên độc đáo của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.

2.3. Nhận xét:

Cảnh quan tự nhiên phong phú, có biển, núi, đồi, rừng phòng hộ, đầm phá cùng hệ thống sông và đồng bằng trảo rộng ở giữa, trong đó Đầm Thị Nại như một thành phần liên kết hệ thống cảnh quan tự nhiên, tạo nên nét đặc trưng và vẻ độc đáo của cảnh quan tự nhiên của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận. Đây là tài nguyên quý giá, là bộ khung cảnh quan tự nhiên, để cấu trúc không gian tổng thể đô thị dựa vào mà phát triển để làm nên hình ảnh không gian đô thị đặc trưng và thương hiệu riêng có của thành phố Quy Nhơn.

Ở khía cạnh khác, chính sự chia cắt phức tạp của địa hình để lại không nhiều diện tích thuận lợi cho xây dựng, là những gì bất lợi. Nhưng chính điều này lại gợi ý tích cực cho việc lựa chọn quy mô và cấu trúc không gian đô thị Quy Nhơn theo hướng tỷ lệ nhỏ và phân tán là hợp lý.

Ngoài cảnh quan tự nhiên, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận còn có tiềm năng về con người và cảnh quan văn hóa với di sản của văn hóa Chăm pa và văn hóa Việt thời phong kiến. Đồng thời, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu đang làm cho thiên tại, bão lũ, trong những năm gần đây diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Đây là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong quá trình nghiên cứu xác lập cấu trúc không gian tổng thể đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận.

3. Mô hình cấu trúc không gian đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận.

3.1. Cấu trúc không gian tổng thể:

Lựa chọn mô hình cấu trúc không gian tổng thể đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận hợp lý, tối ưu, như đã nói ở trên là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là xác định đúng động lực phát triển kinh tế-xã hội Quy Nhơn bền vững, nhưng phải phù hợp với đặc điểm địa hình, cảnh quan, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống và nhất là không làm mất đi giá trị của tài nguyên cảnh quan tự nhiên.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng và từ góc độ cảnh quan học với quan niệm phát triển đô thị trong sự cân bằng giữa các yếu tố Kinh tế, Tự nhiên và Nhân văn, cấu trúc không gian tổng thể đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận thích hợp, có thể phát triển theo mô hình cấu trúc phi tầng bậc, dạng mạng đô thị kết hợp các đơn vị đô thị, nông thôn quy mô nhỏ (tập trung và phan tán) theo hướng đô thị xanh, phát triển theo đặc điểm địa hình và cảnh quan tự nhiên của từng khu vực.

Như vậy, cấu trúc không gian tổng thể đô thị cho phép tạo nên hình ảnh toàn cảnh đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận là một hệ thống nhất trong đa dạng.

3.2. Cấu trúc không gian các khu vực đô thị đăc trưng:

Khu vực đô thị đặc trưng là điểm tập trung các chức năng được xác định là có vai trò động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đô thị. Và sự lựa chọn thông minh các chức năng là động lực kinh tế cho từng khu vực đô thị là quan trọng nhằm tạo sức hút, đúng hơn là tăng thêm việc làm, thu hút nhân lực và tăng thu nhập. Công nghiệp tập trung dọc trục đường 1A có thể và nên là tuyến tập trung các chức năng có vai trò là động lực chính. Và như vậy, sự liên kết các khu vực đô thị có chức năng động lực nhưng có đặc trưng sẽ tạo thành Mạng đô thị, như một mô hình cấu trúc không gian hợp lý.

Mạng đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận bao gồm các khu vực đô thị chính, như:

+ Trung tâm thành phố Quy Nhơn là trung tâm của mạng đô thị mới với chức năng động lực chính là thương mại, dịch vụ và du lịch biển.

Giữ tỷ lệ đô thị nhỏ, mật độ xây dựng thấp, sử dụng hỗn hợp và phát triển hướng biển, mở rộng không gian công cộng bờ biển phục vụ du lịch, không quên nhu cầu của cộng đồng dân cư địa phương là nguyên tắc cơ bản để lựa chọn cấu trúc không gian đô thị đối với khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn.

+ Khu vực Diêu Trì, Tuy Phước với chức năng động lực mới là đào tạo, nghiên cứu và sản xuất dạng khu công nghệ cao.

Cấu trúc không gian có thể phát triển theo mô hình đô thị hiện đại, xây dựng tập trung, mật độ cao. Khu vực đô thị này hình thành sẽ tạo điều kiện để tuyến đô thị dọc quốc lộ 1A phát triển thuận lợi, đặc biệt là làm giảm áp lực xây dựng công trình dân dụng lên trung tâm thành phố Quy Nhơn và công trình công nghiệp tại Khu kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai.

+ Khu kinh tế Nhơn Hội nên phát triển với chức năng động lực chính là cảng và công nghiệp nhẹ.

Phát triển quy mô lớn công nghiệp, nhất là lọc hóa dầu,… mâu thuẫn với các chức năng du lịch đã được quy hoạch và là nguy cơ làm mất giá trị của tài nguyên cảnh quan tự nhiên độc đáo của Bán đảo, mà rất ít nơi có được. Đó là sự hội tụ các giá trị cảnh quan biển, núi, rừng, cồn cát, đầm phà và đồng bằng.

+ Một số điểm tập trung chức năng động lực chính về du lịch, như:

- Du lịch biển: Bãi Dài, Ghềnh Ráng Tiên Sa, Cát Hải

- Du lịch đầm phá: Tạo điểm mới của khu vực giữa bán đảo Phương Mai ở phía đông đầm Thị Nại gắn với du lịch biển Cát Hải,

- Du lịch văn hóa Chăm: Cảng Thị Nại xưa, Thành Bình Định và Tháp Ít,

- Du lịch văn hóa nông nghiệp – làng nghề: Lạc Điện, Kim Tây và An Lợi (nghề làm bánh tráng và sản phẩm từ cói)

- Du lịch mạo hiểm, khám phá: gắn với các hoạt động leo núi, lặn biển và khám phá nông nghiệp sinh thái ngập mặn, cồn chim,…

+ Ngoài ra, cần thiết nghiên cứu, cấu trúc không gian thích hợp với tùng vùng nông nghiệp, nông thôn Huyện Tuy Phước.

Đặc điểm cảnh quan của khu vực là đồng bằng, bị ảnh hường của ngập, lũ vỡi mức độ ngày càng nghiêm trọng do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Với quan điểm gắn với địa bàn cư trú và canh tác, cấu trúc không gian thích hợp ở đây nhất thiết phải được xây dựng với nguyên tắc phát huy kinh nghiệm truyền thống kết hợp với việc lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại, để ứng dụng trong xây dựng và sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương.

Cụ thể là, dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ về thủy văn, mô hình quy hoạch và kiến trúc hợp lý là mô hình chủ động sống chung với nước, không cản trở dòng nước, thậm chí dành chỗ cho nước và hướng tới việc nâng cao chất lượng môi trường sống cho nông dân và đảm bảo điều kiện an toàn trước thiên tại. Đó là cấu trúc không gian làng đô thị sinh thái.

(Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 5/2014)
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)