Kinh nghiệm của Pháp về quy hoạch đô thị nghỉ dưỡng vùng núi Việt Nam theo hướng sinh thái

Thứ sáu, 05/08/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Song song với bờ biển dài ở nước ta là vùng núi tiềm tàng tài nguyên, trong đó có du lịch sinh thái. Trong khi ven biển hiện đang là điểm nóng thu hút đầu tư, nhất là phát triển du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng sinh thái thì vùng núi mới bắt đầu được quan tâm nghiên cứu và đầu tư. Quy hoạch xây dựng vùng Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plong, Kon Tum theo hướng sinh thái do Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Xây dựng đề xuất là một ví dụ.

Phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh ở nước ta còn là lĩnh vực mới. Tuy nhiên, đối với trường hợp Măng Đen, quy hoạch được làm ngay từ đầu sẽ là cơ hội để học tập những kinh nghiệm quý báu trong nước và ở nước ngoài.

 Bài đề cập cách quy hoạch đô thị  nghỉ dưỡng ở vùng núi nước ta của người Pháp theo hướng sinh thái để cùng tham khảo trong quy hoạch xây dựng các đô thị xanh ở vùng núi của nước ta.

2. Khái niệm đô thị sinh thái

Hiện tại ở nước ta, trong các văn bản pháp quy chưa thể hiện một cách chính thức, cụ thể khái niệm và các tiêu chí về đô thị sinh thái. Nhưng trên phương diện khoa học, từ nhiều năm nay, vấn đề kiến trúc sinh thái, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh, đô thị xanh thân thiện với môi trường và phát triển bền vững đã được quan tâm nghiên cứu và có những thực hành bước đầu.

Có thể khái quát, đô thị sinh thái là xu hướng phát triển đô thị phổ biến hiện nay trên thế giới và là xu hướng quy hoạch xây dựng có trách nhiệm nhất đối với môi trường và xã hội. Đồng thời khái niệm và hệ tiêu chí về đô thị sinh thái phải thể hiện và đảm bảo cân bằng 2 yếu tố sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn trong phát triển.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, ở nước ta kiến trúc truyền thống, nhất là kiến trúc nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ như là một “đơn vị cân bằng sinh thái” hay một số đô thị nghỉ dưỡng vùng núi do người Pháp xây dựng những năm đầu thế kỷ XX, được quy hoạch và phát triển, ở một số khía cạnh, dựa trên nguyên tắc của đô thị sinh thái. Cho đến nay, cách quy hoạch xây dựng đô thị nghỉ dưỡng vùng núi của người Pháp ở nước ta theo hướng sinh thái vẫn có giá trị tham khảo tích cực.

3. Kinh nghiệm của Pháp về khai thác cảnh quan tự nhiên vùng núi trong quy hoạch xây dựng đô thị

Rất sớm, sau khi chiếm được Đông Dương, từ những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu lựa chọn, quy hoạch và xây dựng một hệ thống các đô thị nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Trong đó đáng kể là các đô thị nghỉ dưỡng vùng núi như: Đà Lạt, Bà Nà, Bạch Mã, Ba Vì, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Sa Pa…

Người Pháp xây dựng các đô thị nghỉ dưỡng vùng núi trước hết là vì mục đích chính trị, thể hiện ý muốn xâm chiếm lâu dài, cũng như ưu thế và sức mạnh của chính quyền thực dân. Sau đó, về kinh tế, giảm chi phí đi nghỉ về chính quốc của người Pháp và về văn hoá là cơ hội phổ biến văn hoá, lối sống của Pháp ở thuộc địa.

Trong hệ thống các đô thị nghỉ dưỡng vùng núi do người Pháp quy hoạch, có 2 thành phố tiêu biểu rất cần được nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Đó là Đà Lạt ở miền Nam và Sa Pa ở miền Bắc.

- Đà Lạt:

Đà Lạt khởi đầu từ năm 1893 là một thành phố được khảo sát kỹ lưỡng trong việc lựa chọn vị trí và được thiết kế xây dựng, có thể nói theo hướng một đô thị sinh thái, một đô thị xanh, dù khái niệm đô thị sinh thái chưa hoàn chỉnh và phổ biến như bây giờ. Đà Lạt vì thế qua quá trình phát triển định hình nét riêng đặc sắc bởi sự kết hợp hài hoà giữa công trình với cảnh quan tự nhiên cao nguyên Lang Biang. Đó là cách làm quy hoạch của người Pháp mà đỉnh cao là đồ án quy hoạch quy hoạch tổng thể do KTS E. Hebrard thiết kế năm 1923.

Mô hình đô thị sinh thái kiểu Pháp  áp dụng ở Đà Lạt lúc bấy giờ thể hiện những nguyên tắc chính là tôn trọng đặc điểm địa hình và cảnh quan tự nhiên trong thiết kế và xây dựng. Các điểm cao, sườn đồi và thung lũng được khai thác để xây dựng công trình với những quy định nghiêm ngặt về quy mô và khoảng cách hợp lý, hoà nhập và làm tăng thêm giá trị địa hình và cảnh quan tự nhiên. Điểm cao nhất là dãy núi Liang Biang, chế ngự toàn cảnh không gian đô thị, các điểm cao khác là đỉnh các ngọn đồi thấp bao quanh. Trên đỉnh đồi, như gắn vào cảnh quan tự nhiên là các công trình công cộng hoặc dinh thự đặc biệt, làm thành điểm nhấn, điểm định vị không gian đô thị Đà Lạt. Sườn đồi thấp thoáng trong rừng thông và hoa chủ yếu là các biệt thự cao cấp kiểu kiến trúc Pháp đa dạng, hướng tầm nhìn về phía thung lũng và xa hơn về núi Liang Biang, dấu ấn cảnh quan độc đáo của khu vực. Thung lũng lại là một cảnh quan khác, nước nhiều, đất phì nhiêu với phố thị tập trung và làng xóm của người địa phương rải rác, gắn liền với những cánh đồng hoa và rau xanh.

Đặc điểm nổi bật của địa hình, thảm thực vật được khai thác một cách tinh tế trong quy hoạch, kiến trúc nhấn mạnh đặc trưng của đô thị sinh thái vùng núi. Đặc biệt, yếu tố mặt nước nhân tạo- Hồ Xuân Hương trở thành một đặc trưng nổi bật, một hạt nhân cấu tạo cảnh quan kiến trúc độc đáo, đại diện tiêu biểu của Đà Lạt.

Rõ ràng về phương diện hình thái học đô thị, ở Đà Lạt, yếu tố nhân tạo gắn bó hữu cơ với tự nhiên, đúng hơn là cách can thiệp khéo léo bằng quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế đô thị và kiến trúc của nhiều thế hệ KTS Pháp, không chỉ tạo nên sự kết hợp hài hoà với cảnh quan tự nhiên mà còn tôn thêm vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan tự nhiên ấy. Đà Lạt vì thế được đánh giá là một đô thị phong cảnh. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế tất yếu nhất định của lối quy hoạch và kiến trúc kiểu thực dân ở Đà Lạt.

- Sa Pa:

Hình thành từ đầu thế kỷ XX, nơi có những thuận lợi về khí hậu mát mẻ và phong cảnh miền núi hùng vĩ như đỉnh Phan Xi Phăng, thung lũng suối Mường Hoa…Sa Pa nhanh chóng trở thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng thời Pháp thuộc ở phía Bắc. Cho đến nay, khác với Đà Lạt, đô thị Sa Pa bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và thời gian, chỉ còn lại phế tích của một thời vang bóng.

Đầu những năm 2000, các chuyên gia Pháp thuộc Trường Đại học kiến trúc và cảnh quan Bordeaux đã nghiên cứu, thiết kế quy hoạch và xây dựng Bộ Quy chế quản lý đô thị Sa Pa. Đây là những tài liệu có giá trị tham khảo rất tốt, đặc biệt về quan niệm, phương pháp luận quy hoạch, thiết kế đô thị hiện đại và quản lý xây dựng theo quy hoạch một đô thị nghỉ dưỡng miền núi ở nước ta theo hướng sinh thái.

Có thể nêu những nguyên tắc thiết kế đô thị cơ bản đã được áp dụng ở Sa Pa như: giống núi Liang Biang ở Đà Lạt, dãy Phan Xi Phăng, nóc nhà Đông Dương là núi thiêng, nơi mọi tầm nhìn và cả những ý niệm tâm linh đều hướng về như là một nguyên tắc căn bản nhất trong quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị Sa Pa. Và sau đó là thung lũng suối Mường Hoa, biểu tượng cảnh quan có giá trị độc đáo, là thành phần cảnh quan thứ hai cần được nhấn mạnh để tạo nên nét riêng của quy hoạch không gian đô thị Sa Pa. Vì thế, mọi công trình được quy hoạch và xây dựng trên các sườn đồi quanh suối theo dạng các ban công giật cấp kiểu bậc thang, đảm bảo tầm nhìn cảnh quan hướng về núi và thung lũng.

Công trình xây dựng mới phải hoà nhập với đặc trưng cảnh quan tự nhiên của Sa Pa vốn được tạo bởi địa hình núi, các đường phân thuỷ, thung lũng và thảm thực vật. Do đó có nhiều quy định chi tiết để quản lý xây dựng đã đề xuất. Chẳng  hạn định vị các công trình phải đảm bảo khoảng lùi tối thiểu 15 mét so với bờ suối và mặt nước tự nhiên, tôn trọng địa hình tự nhiên, không san gạt, làm thay đổi lớn về địa hình để xây dựng. Khi xây dựng tường chắn bắt buộc bằng vật liệu địa phương, đồng thời phải bảo vệ các loại cây xanh đặc trưng…

Điểm mới trong quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị Sa Pa, bên cạnh quan niệm tôn trọng cảnh quan tự nhiên là chú trọng phát triển văn hoá của các dân tộc bản địa, coi họ là chủ nhận của đô thị.

4. Nhận xét

Quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị và đô thị nghỉ dưỡng vùng núi ở nước ta nói riêng trên cơ sở khai thác giá trị cảnh quan tự nhiên để tạo nên bản sắc của đô thị là nguyên tắc thiết kế đô thị kinh điển. Kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế đô thị của người Pháp đã làm ở nước ta vẫn có những giá trị tích cực cần thiết được khai thác, không chỉ để bảo tồn, phát huy quỹ di sản đô thị và kiến trúc thời Pháp mà còn trong phát triển đô thị nói chung.

Đặc trưng văn hoá địa phương, nhất là của các dân tộc thiểu số cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong xây dựng và quản lý đô thị hiện đại. Như vậy, quan niệm về một đô thị sinh thái phát triển bền vững mới hoàn thiện. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố sinh thái tự nhiên với sinh thái nhân văn trong xây dựng đô thị, đảm bảo cho đô thị phát triển liên tục trong sự cân bằng giữa các yếu tố tác động khác nhau.

Cuối cùng và cụ thể hơn, qua những ví dụ nêu trên cho thấy bước nghiên cứu, phân tích cảnh quan đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Phân tích và thiết kế đô thị là hai mặt của một quá trình. Phân tích để nhận diện bản sắc và tiềm năng của khu vực, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phát triển đô thị hợp lý.

 

Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 6/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)