Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp với kính Low-e

Thứ ba, 22/03/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các tòa nhà chọc trời xuất hiện ngày càng nhiều.Năm 2010, thế giới đã chứng kiến lễ khánh thành tòa tháp cao nhất thế giới - tháp Burj Dubai tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ở Việt Nam, tháp Financial Tower do Bitexco làm chủ đầu tư hiện đang giữ chức “quán quân” của Việt Nam với 68 tầng và độ cao là 300m tính từ mặt đất.

Có thể coi việc xây dựng cao ốc là một giải pháp hữu hiệu để tối đa hóa diện tích đất khi mà đất đai thì hạn hẹp mà nhu cầu sử dụng là vô hạn. Tuy nhiên, năng lượng để vận hành một cao ốc là rất lớn và tốn kém. Yêu cầu về một cao ốc “xanh” tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường đang là vấn đề được các nhà đầu tư đặt ra. Nhìn chung, cơ cấu sử dụng năng lượng của một toà nhà rất lớn bao gồm 40 - 60% năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hoà không khí, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15 - 20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10 - 15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác. Như vậy, một bài toán kinh tế có thể cân nhắc rõ ràng giữa việc tăng chi phí đầu tư nhưng đạt được hiệu quả tiết kiệm lâu dài hay ngược lại đang là điểm được các nhà đầu tư cân nhắc.

Có nhiều cách để đưa một công trình cao ốc bình thường thành một cao ốc “xanh” mà chủ đầu tư có thể áp dụng.Một trong số đó chính là việc ứng dụng kính tiết kiệm năng lượng Low-e đã có từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian gần đây mới có một số công trình sử dụng loại vật liệu này.

Kính Low-e là loại kính được phủ lên bề mặt một loại hợp chất đặc biệt là lớp metalic siêu mỏng giúp kính có tính năng phát xạ nhiệt chậm, làm giảm sự phát tán, hấp thụ nhiệt lượng chậm và làm chậm quá trình truyền tải nhiệt. Nguyên lý của loại kính này có khả năng ngăn chặn bức xạ nhiệt từ mặt trời vào mùa hè và giảm khuếch tán nhiệt độ vào mùa đông nên luôn giữ được nhiệt độ ổn định trong phòng, ngăn ngừa sức nóng của mặt trời nhưng vẫn đảm bảo độ sáng trong căn phòng. Vì vậy, loại kính này đặc biệt phù hợp với các công trình xây dựng tại khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Ở kính Low-e người ta thấy được những tính năng nổi trội như: Chống nóng, giữ nhiệt tốt, ngăn ngừa cường độ sáng mạnh… Đây chính là tính năng ưu việt của sản phẩm giúp cho căn phòng ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, tiết kiệm tối đa chi phí điều hòa trong khi mà vẫn giữ được độ sáng và nét thẩm mỹ tối đa. Ngoài ra, lớp metalic siêu mỏng có thể giúp ngăn ngừa 10% cường độ ánh sáng của mặt trời giúp bảo vệ đồ nội thất trong cao ốc. Bên cạnh các tính năng nổi trội, kính Low-e còn đa dạng về kích thước, màu sắc đẹp và lắp đặt thi công khá thuận tiện. Có thể thấy, với những tính năng ưu việt như vậy, kính Low-e là sự lựa chọn hoàn hảo cho tòa nhà văn phòng hay chung cư cao cấp. Tại Việt Nam, công trình “tòa nhà xanh” Vincom Center (Q.1, TP.HCM) là một trong những công trình đầu tiên sử dụng loại kính này. Tiếp theo đó, cho tới hiện nay, công nghệ này đã được khá nhiều công trình cao cấp đưa vào ứng dụng.

Theo ông Rob Watson - Chủ tịch Hệ thống Xếp loại Nhà xanh Leed: ''Chỉ có kiến trúc tốt và kiến trúc tồi. Nếu không xanh, đó không phải là kiến trúc tốt''. Mặc dù các chủ đầu tư Việt Nam đa phần còn bị hạn chế bởi vốn đầu tư và công nghệ cho các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng cho công trình ngay từ khâu thiết kế, nhưng trước xu thế phát triển tất yếu, việc một số doanh nghiệp đã hướng đến việc ứng dụng các công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong công trình của mình là một hướng đi đúng đắn.

Theo Báo Xây dựng.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)