Đặc điểm văn hoá đô thị mới ở Hà Nội

Thứ ba, 02/11/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Quốc tế hoá trong hình thái kiến trúc với việc hình thành văn hoá đô thị mớiTrong quá trình toàn cầu hoá, ba vấn đề chính mang tính quốc tế là Vốn, Con người và Kiến thức trực tiếp tạo ra ba quá trình chuyển đổi trong thành phố, theo đó là văn hoá. Đó là: thay đối phương thức di chuyển, từ đi bộ và xe đạp đến xe máy ô tô; thay đổi điều kiện sống từ thấp tới cao và thay đổi các chức năng đô thị theo hướng chuyên môn và toàn cầu hoá. Trong quá trình chuyển đổi hình thái kiến trúc đô thị ở Hà Nội, có thể xác định 8 loại công trình có chức năng mới, tiêu biểu đã tạo ra văn hoá đô thị mới, gồm: khu đô thị mới; nhà ở; công trình thương mại; tổ hợp đa năng, cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng và quán ba; trung tâm tổ chức sự kiện và di sản kiến trúc đô thị… Qua phân tích những công trình tiêu biểu được chọn, có thể nhận thấy: hình thái kiến trúc đô thị mới góp phần tạo ra một văn hoá đô thị mới. Đồng thời cho thấy rõ sự tách biệt xã hội đang gia tăng thông qua nhiều lối sống khác nhau.

II. Những thay đổi thể hiện qua công trình kiến trúc

1. Theo hướng thương mại hoá và tư nhân hoá

Đây là những thay đổi dễ nhìn thấy nhất, khi quyền sử dụng đất và sở hữu nhà được thừa nhận. Đất và nhà trở thành phương tiện để sinh lợi và từ đó bắt đầu một quá trình tư nhân hoá trong xây dựng. Kết quả là hai tầng lớp mới trong xã hội Việt Nam được hình thành nhanh chóng, đó là tầng lớp trung và thượng lưu mới (gọi chung là người mới giàu lên). Theo đó là những loại công trình mới xuất hiện, như nhà ở và trung tâm thương mại cao cấp, dạng Ciputra, Pacific Place, Vincom, Tràng Tiền Plaza… Những công trình này đại diện cho một quá trình thay đổi mới trong thành phố.

Thương mại hoá về nhà ở thực sự bắt đầu với chính sách mở rộng thành phố của Nhà nước, theo đó là sự xuất hiện của những khu đô thị mới. Doanh nghiệp Nhà  nước bắt đầu phát triển nhà ở thương mại. Ví dụ: khu đô thị mới Linh Đàm (HUD), Trung Hoà Nhân Chính (Vinaconex), Ciputra (UDIC), Mỹ Đình hay khu đô thị mới An Khánh (Sông Đà)… Mặt khác, nhiều nhà cũ nhất là biệt thự có giá trị do quản lý kém bị dỡ bỏ hay chuyển đổi chức năng thành thương mại dịch vụ. Ví dụ, từ ngôi nhà truyền thống sang cửa hàng kinh doanh cao cấp Tân Mỹ trong khu phố cổ, biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo thành hiệu ăn Âu Lạc hay sự chuyển đổi từ những căn hộ chung cư trong khu Trung tự thành không gian thư giãn Spa.

2. Với vai trò của nhiều tác nhân tham gia

Có nhiều tác nhân tham gia đầu tư, nhưng dễ nhận thấy sự thay đổi khi có tác nhân nước ngoài. Chẳng hạn người Pháp (Toolouse) làm mới và thay đổi chức năng những ngôi nhà ống, kiểu nhà ở kết hợp cửa hàng ở 87 Mã Mây, hay 34 Hàng Đào hay văn hoá Indonesia qua trường hợp khu đô thị mới Ciputra, văn hoá Yamah Nhật với xu hướng phát triển quán bar mới- ChicoMambo, hoặc có sự đóng góp của những người Việt Nam ở nước ngoài về.

Nhưng vai trò của Nhà nước là quan trọng trong các dự án lớn, ở đó nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển phối hợp với doanh nghiệp Nhà nước, bởi Nhà nước có nhiều thuận lợi trong việc chọn địa điểm và trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra rất phức tạp. Và đây là một trong những khó khăn khi triển khai dự án. Hiện tại, vai trò tham dự của người dân là lớp công dân mới tích cự hơn và có hiệu quả hơn. Trường hợp không xây dựng khách sạn trong Công viên Thống nhất hay Trung tâm thương mại 19/12 là những ví dụ tiêu biểu ở Hà Nội.

Trong hội nhập Việt Nam chịu ảnh hưởng của những thiết chế quyền lực quốc tế. Trên thực tế có những khó khăn  nhất định trong việc kiểm soát của Nhà nước, có thể dẫn tới một số phát triển không như mong đợi. Cụ thể, cuộc khủng hoảng châu Á (1997), khi các nhà đầu tư rút lui, nhiều dự án ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm như Ciputra, Pacific (chậm gần 10 năm) hay Tràng Tiền Plaza thay đổi chủ nhiều lần. Đó là những ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi từ hội nhập kinh tế toàn cầu.

3. Thay đổi trong kiến trúc đô thị

Thay đổi lớn, dễ thấy trong cảnh quan kiến trúc đô thị Hà Nội là các công trình cao tầng và khu đô thị mới. Trong phát triển đô thị, Nhà nước đã đề cao vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển các khu đô thị mới có sự kết hợp với các tổ chức quốc tế. Ví dụ, đầu tiên là dự án nhà ở khu Trung Hoà- Nhân Chính của Vinaconex. Tiếp theo là sự hợp tác với nước ngoài trong xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ.

Đáng chú ý là sự thay đổi từ không gian thương mại, dịch vụ cho các hoạt động kinh tế không chính thức sang không gian kinh tế chính thức trong thành phố. Ở Hà Nội, trên vỉa hè và đường phố, đặc biệt là ở các chợ truyền thống luôn diễn ra hoạt động kinh tế không chính thức cùng các sinh hoạt công cộng đa dạng khác như là một đặc trưng của Hà Nội. Hiện tại, chính quyền hạn chế các hoạt động kinh tế không chính thức này ở một số không gian đô thị chính, tiêu biểu, đồng thời đang diễn ra xu hướng phá bỏ những khu chợ truyền thống thấp tầng để xây dựng các trung tâm thương mại nhiều tầng hiện đại. Chợ Cửa Nam, chợ hàng Da, chợ Mơ là những ví dụ điển hình. Rõ ràng các không gian (thương  mại) không chính thức đang được thay bằng các không gian (thương mại) chính thức. Đây là một vấn đề đòi hỏi phải được chú ý xem xét về các phương tiện kinh tế, xã hội và văn hoá. Nên nhớ rằng, các không gian không chính thức đó đem lại lợi nhuận cho số đông người nghèo, mà thay vào đó là những không gian mới, nhưng cho số ít những người khá giả, giàu có trong xã hội. Đó là chưa nói đến khía cạnh đặc trưng văn hoá của hiện tượng.

4. Thay đổi trong cách làm kiến trúc

Trong xu thế toàn cầu hoá, cách tốt nhất để học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp là làm việc trực tiếp với các nhà tư vấn nước ngoài. Thực tế đã có những ảnh hưởng tích cực. Ví dụ, trường hợp Trung tâm hội nghị Quốc gia, một bộ phận của VNCC đã thay đổi cách làm việc từ khi hợp tác với các kiến trúc sư Đức (Công ty GMP). Hay cải tạo ngôi nhà ống số 87 Mã Mây- kết quả hợp tác giữa thành phố Hà Nội với thành phố và trường Đại học Toulouse, Pháp là một bài học thực tế có giá trị. Ngoài ra, sự trao đổi đào tạo nghiên cứu khoa học với nhiều trường nước ngoài khác, cần phải được quan tâm như là sự phát triển kiến thức cho chuyên gia của ta.

III. Những thay đổi về lối sống của cư dân

Kết quả khảo sát cách sử dụng các không gian kiến trúc đô thị mới cho thấy những nguyên nhân và đặc điểm của lối sống đô thị mới như sau:

1. Phân cực và phát triển phân tán

Những hình thái kiến trúc đô thị mới ở Hà Nội trở thành phương tiện để người mới giàu lên phân biệt bản thân họ với những tầng lớp khác. Họ thường mua sắm ở các trung tâm thương mại cao cấp như Vicom. Pakson hay đến cà phê Highland, ChicoMambo, Tân Mỹ và GeoSpa để được phục vụ tốt nhất. Tương tự, trong nhà ở, những người có tiền sống và sở hữu để kinh doanh những căn hộ và biệt thự cao cấp. Trong khi những người thu nhập thấp khó có thể sở hữu nhà ở. Hầu hết nhà ở mới được xây dựng vào thời điểm này, nhưng dành cho tầng lớp mới giàu lên. Khoảng cách giữa giàu và nghèo vì thế này càng lớn.

Hiện tại, về hình ảnh đô thị mới với những hình thái đô thị mới, khép kín có khu còn biệt lập đang được xây dựng rải rác trong thành phố, dẫn đến bức tranh đô thị phân tán, thiếu tính thống nhất tổng thể. Một cộng đồng dân cư mới hình thành trong các khu đô thị mới cao cấp. Phần lớn trong số họ là những người giàu, họ có cùng một mối quan tâm. Khu Ciputra là một ví dụ điển hình, ở đó mọi người cảm thấy tương tự nhau về thu nhập cao, có sự tương đồng về thẩm mỹ. Ciputra như một “thành phố thu nhỏ” tách biệt với bên ngoài. Sự tách biệt càng rõ hơn bởi những bức tường bao quanh khu ở với các cổng, luôn có người canh gác. Những người sống ở đó đều cảm thấy như ở một ‘nơi khác” không thuộc về Hà Nội.

2. Đa dạng thành phần dân cư

Quá trình phát triển làm xuất hiện nhiều nhóm xã hội khác nhau. Đó là hệ quả tất yếu của phát triển đô thị  theo xu hướng toàn cầu hoá. Có thể nhận dạng sơ bộ các nhón có văn hoá khác nhau ở Hà Nội. Cụ thể:

a. Tầng lớp thượng lưu giàu có mới

Tầng lớp này sống trong các khu như Ciputra hay Pacific Place. Họ hướng theo kiểu sống ở nước ngoài. Con cái của họ học ở nước ngoài hoặc ở trong nước thì tại các trường phổ thông hay đại học và đại học quốc tế. Vẫn duy trì những sinh hoạt truyền thống, có bàn thờ gia đình…nhưng họ hướng tới tự do cá nhân hơn nên các thế hệ ít sống trong một nhà. Hầu hết họ có người giữ trẻ, người giúp việc và một số có lái xe riêng và người làm vườn. Do cách tổ chức không gian kiến trúc, quy hoạch khép kín, nên nhóm người sống tách biệt với “những phần tách biệt của thành phố” và có cái nhìn khác với đối với những “người khác”. Thậm chí một số có nhận xét không thiện cảm về thành phố, Hà Nội như là một thành phố hỗn độn, đông đúc và chật chội. Và theo họ thành phố đang thiếu sự quản lý đô thị một cách hiệu quả.

b. Tầng lớp trung lưu mới

Nhóm này sống trong những ngôi nhà tự xây ở trong thành phố và trong các khu đô thị mới như Trung Hoà Nhân Chính. Họ đi lại chủ yếu bằng xe máy, tuy nhiên cũng đang có sự thay đổi là sở hữu xe ô tô riêng. Nhóm người này yêu thích mọi thứ từ nước ngoài nhưng họ vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với truyền thống: sống chung nhiều thế hệ và thờ cúng tổ tiên. Hầu hết những gia đình này có người giúp việc. Con cái của họ học tại các trường phổ thông và đại học trong nước. Tuy nhiên họ có ý thức dành tiền để  cho con tiếp tục du học nước ngoài. Nhóm này đánh giá Hà Nội như một thành phố thiếu trật tự và đồng thời thừa nhận là một phần của thành phố, quan tâm tới tương lai của thành phố. Họ chính là lớp công dân hiện đại mới của thành phố, đánh giá thành phố hiện tại vừa có tính truyền thống lẫn hiện đại.

c. Thanh niên đô thị mới

Trong nhóm này, phần lớn là sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội học tập và sống trong những phòng trọ nhỏ. Họ đi lại chủ yếu bằng xe đạp và xe bus. Họ không có nhiều tiền nhưng rất thích đồ ngoại và họ thường xuyên lui tới không gian bán công cộng giống như Big C. Tuy nhiên có một đặc điểm chung, đặc điểm đô thị mới, tích cực đang hình thành trong một bộ phận giới trẻ được giáo dục cẩn thận, là mối quan tâm tới văn hoá và môi trường đô thị. Họ quan tâm tới âm nhạc và nghệ thuật hiện đại đồng thời với văn hoá truyền thống.

d. Người lao động phổ thông

Họ là những người buôn bán nhỏ, thu nhập thấp hay nông thôn ra tìm  việc làm thời vụ. Lo mưu sinh, phần lớn họ tồn tại trong thành phố nhưng không quan tâm tới những thay đổi của thành phố. Điều này cho thấy một khoảng cách khá lớn giữa những người thu nhập thấp trong xã hội và tầng lớp thượng lưu.

IV. Nhận xét

Khu đô thị mới đã tạo ra một văn hoá đô thị mới. Điều này tạo ra một xã hội đô thị năng động hơn theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, những khu đô thị mới đang nhanh chóng tạo ra sự phân chia xã hội đô thị thông qua các lối sống đa dạng. Khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng lớn.

Có ý kiến nhận xét chung đáng lo ngại là phần nhiều những người dân di trú ở Hà Nội không có liên hệ với thành phố đã đành, mà cả những người mới giàu lên, sống biệt lập trong khu đô thị mới như khu Ciputra cũng cảm thấy không có liên hệ với thành phố, thậm chí như đã nêu ở trên, họ có cảm giác như không phải đang sống ở  Hà Nội. Bởi họ sống trong khu vực được bảo vệ, hầu như tách biệt với bên ngoài. Một lối sống mới, một văn hoá đô thị mới đang định hình. Và đây là vấn đề rất cần được nghiên cứu. Những thay đổi trong văn hoá đô thị đã cho thấy một xã hội đa dạng, năng động và tiện nghi hơn so với giai đoạn trước Đổi mới đang hình thành. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhận thấy những khu đô thị mới tại Hà Nội đang tạo ra một quá trình tách biệt lớn giữa giàu và nghèo. Những khu này chủ yếu phục vụ phục vụ cho tầng lớp trung và thượng lưu còn những người nghèo thị bị bỏ lại phía sau.

Ngày nay Hà Nội là một trong những Thủ đô lớn nhất thế giới về mặt diện tích và thành phố đang chạy đua với những thành phố khác của khu vực trong xây dựng những toà nhà cao tầng để nhanh chóng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nên lưu ý, thành phố đang bắt đầu với đặc điểm về khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, giữa văn hoá đô thị mới và văn hoá truyền thống.

Điểm thứ hai quan trọng là về không gian đô thị, cụ thể là nhận thức đúng về mô hình khu đô thị mới. Không khuyến khích hình thái khu đô thị mới khép kín, độc lập và được xây dựng rải rác trong thành phố như trong thời gian qua. Như vậy, chẳng những không tạo ra bộ mặt kiến trúc đô thị thống nhất mà còn tạo điều kiện phát triển những mặt tiêu cực của văn hoá đô thị mới, như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân cư trong quy hoạch đô thị. Bởi chính họ cuối cùng là chủ nhân của đô thị. Nếu không, thành phố sẽ mất đi những đặc tính độc nhất hay nói cách khác là bản sắc riêng và dễ trở thành một Bangkok khác hay Seoul hay Singgpore, một dạng đô thị toàn cầu với hình thái kiến trúc đô thị mang tính quốc tế.

Tại thời điểm này, có thể khẳng định thành phố Hà Nội vẫn còn những nét văn hoá đô thị truyền thống đặc sắc. Về khu đô thị mới, không phủ nhận những giá trị tích cực mà nó mang lại, như góp phần làm cho Hà Nội năng động, đa dạng, hiện đại và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, bản sắc riêng của Hà Nội về kiến trúc và văn hoá đô thị đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vì vậy, để phát huy những bản sắc riêng của Hà Nội trong phát triển hiện đại, các nhà hoạch định chính sách, người quyết định và nhà đầu tư cần lắng nghe tiếng nói của người dân, của các chuyên gia, cùng nhau tạo ra một thành phố đáng để sống hơn, nơi mà người dân cảm thấy sự liên hệ gắn bó với nhau nhiều hơn, cảm thấy thành phố là của họ và họ luôn tự hào là người dân Thủ đô.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 9/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)