Quan hệ tương hỗ giữa đô thị và thiên nhiên

Thứ tư, 12/05/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đô thị là một hệ thống phức tạp, là sự kết hợp tương hỗ năng động giữa hai phân hệ là thiên nhiên và nhân tạo. Các tỏ hợp thiên nhiên bên trong đô thị có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thiên nhiên và phục hồi sức khoẻ đồng thời có khả năng chịu được sự tác động của các yếu tố tiêu cực mà không bị phá huỷ và không làm biến đổi các quá trình thiên nhiên. Đây cũng là một điều kiện nhất thiết phải có đối với sự tiến hoá của môi trường thiên nhiên.

Quan hệ tương hỗ giữa đô thị và môi trường thiên nhiên

Thông thường các mối quan hệ tương hỗ giữa đô thị và thiên nhiên được phân ra hai lĩnh vực là sự tác động có nguồn gốc nhân tạo của môi trường đô thị lên môi trường thiên nhiên và sự tác động về mặt sinh thái của môi trường thiên nhiên và các yếu tố của môi trường lên môi trường đô thị xung quanh con người, lên tình trạng sức khoẻ, điều kiện lao động và thời gian nhàn rỗi của họ. Ảnh hưởng của môi trường nhân tạo lên môi trường thiên nhiên gắn liền với sự thay đổi của các đặc tính trong các tầng đất của đô thị, của chế độ nhiệt và ẩm của môi trường đô thị và hệ thực vật. Dù ở mức độ nào đi chăng nữa thiên nhiên trong đô thị vẫn tồn tại theo cách của mình. Kết quả của sự tương tác giữa các yêu tố thiên nhiên và nhân tạo là xuất hiện các yếu tố cấu thành, mang đặc tính thiên nhiên- kỹ thuật, đó là hệ thống sinh thái đô thị.

Cần lưu ý rằng môi trường đô thị rất đặc thù và khác xa với thiên nhiên. Điểm khác biệt chủ yếu của nó là đặc tính phân tán, nghĩa là các tính chất của đô thị rất khác nhau, ngay tại những khu vực rất gần nhau về khoảng cách. Đặc tính này phụ thuộc vào các yếu tố có nguồn gốc nhân tạo, mà đến lượt mình, chúng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của các quá trình thiên nhiên. Mặc dù các khu vực cây xanh trong đô thị được hình thành từ các yếu tố thiên nhiên sống động, như cây thân gỗ, bụi cây, thảm có…Tuy nhiên đây chỉ là các sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi một cấu trúc đã bị đơn giản hoá, thiếu các mối liên hệ cân bằng và nhất là thiếu khả năng tự phát triển và tự điều chỉnh. Các khu cây xanh này luôn cần được chăm sóc và phục hồi một cách nhân tạo. 

Quan hệ tương hỗ “Đô thị- Thiên nhiên” bao gồm 2 nhóm mối liên hệ chủ yếu là nhóm các mối liên hệ không gian và nhóm các mối liên hệ chức năng. Nhóm các mối liên hệ không gian được đặc trưng bởi sự mở rộng lãnh thổ của đô thị vào môi trường thiên nhiên bao quanh, nó được xác định bởi hướng và mức độ mở rộng của các bộ phận cấu thanh cơ bản của nó (như các khu nghĩ dưỡng, công nghiệp, công cộng, hạ tầng giao thông…). Hiện nay, sự mở rộng tự phát này đã làm giảm diện tích và phá vỡ tính toàn vẹn của các tổ hợp thiên nhiên, đã tạo ra cấu trúc mảng đan xen và giảm tính bền vững của hệ sinh thái thiên nhiên. Nhiều khi nó còn dẫn đến việc làm thay đổi bộ mặt thiên nhiên bao quanh, làm mất đi tính thống nhất của nó và làm giảm chất lượng cảm thụ không gian cảnh quan thiên nhiên. Nhóm các mối liên hệ chức năng thể hiện ở sự tồn tại của các quá trình có đặc tính chế ước lẫn nhau tại các khu vực lãnh thổ  riêng biệt của đô thị, ví dụ: sự hình thành khu vực nghỉ dưỡng, khu vực cây xanh, sự khôi phục các vùng đất bị phá huỷ…

Hiện nay ở nước Nga còn chưa có cơ sở pháp lý cho sự phát triển của quy hoạch cảnh quan, sự phát triển các công cụ và phương pháp của quy hoạch cảnh quan. Tuy vậy, các quan điểm về sinh thái trong tổ chức không gian đô thị đã góp phần thúc đẩy việc thừa nhận sự tồn tại của cảnh quan văn hoá. Những năm qua, thiết kế cảnh quan đã vượt ra  khỏi khuân khổ nguyên tắc truyền thống, đó là trồng cây xanh có lựa chọn trên các khu vực riêng biệt của đô thị, trong đó quan điểm cơ bản là hình thành cảnh quan đô thị như một hệ thống không gian chỉnh thể. Tại Liên bang Nga trong 10 năm qua, hệ thống các quan điểm và phương pháp luận về thiết kế khung thiên nhiên đã được nghiên cứu tương đối đầy đủ, như là một trong các văn bản là cơ sởo cho việc lập quy hoạch chung xây dựng đô thị. Các nguyên tắc cơ bản về thiết kế khung thiên nhiên đã được nghiên cứu và được áp dụng để thiết kế khung thiên nhiên tại các thành phố Saransk, Saratop, Yaroslav…

Một trong các nguyên tắc cơ bản của khung thiên nhiên là tính liên tục của cấu trúc cảnh quan thiên nhiên của đô thị. Khung thiên nhiên gồm có những bộ phận chủ yếu là bộ phận dạng mảng, bộ phận dạng tuyến và bộ phận dạng điểm.

- Bộ phận dạng mảng (khu bảo tồn, rừng cấm, khu vực bảo vệ nguồn nước , khu vực có chức năng sử dụng đặc biệt, các di tích thiên nhiên…) là khu vực lãng thổ có đặc tính hoạt động sinh thái cao, là hạt nhân của khung thiên nhiên.

- Bộ phận dạng tuyến (thung lũng, lòng sông và bãi sông, dòng chảy, công viên rừng được bảo vệ) là yếu tố bảo đảm khả năng di cư và di chuyển của động vật và thực vật.

- Bộ phận dạng điểm (vườn hoa, công viên, không gian ven sông, không gian ngoài nhà, khu cây xanh trong tiểu khu) tạo nên các điểm hoạt động sinh thái.

Hệ thống khung thiên nhiên còn bao gồm một số khu vực được quản lý đặc biệt (các vùng đệm) như khu vực bảo vệ nguồn nước, khu vực lấy nước được bảo vệ…kể cả các di tích thiên nhiên. Khung thiên nhiên là một bộ phận có vai trò rất quan trọng trong cấu trúc quy hoạch cảnh quan đô thị. Các khu vực thiên nhiên được bảo vệ đặc biệt cũng là một bộ phận cấu tạo trọng yếu của khung thiên nhiên, giúp thúc đẩy sự tái sinh và duy trì tiềm năng sinh quyển trên địa bàn đô thị. Khu vực thiên nhiên được bảo vệ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng về văn hoá xã hội, phục hồi sức khoẻ và nghỉ ngơi. Ví dụ, các công viên quốc gia có ý nghĩa về mặt nhận thức. Ở châu Âu du lịch sinh thái và du lịch nhận thức thiên nhiên đã trở nên rất phổ biến. Ở Nga những năm qua, hình thức du lịch này cũng được phát triển mạnh. Các con đường sinh thái được trang bị tiện nghi, chúng đã và đang được xây dựng trong các công viên thiên nhiên, công viên quốc gia cũng như trong các khu rừng lớn. Các nước châu Âu đã xúc tiến xây dựng các con đường sinh thái đặc biệt dành cho những người kém khả năng di chuyển. Ở Nga người ta đã lập dự án dành cho người khiếm thị và người thị lực kém, trẻ em kém phát triển; ở vùng thủ đô Pari (Pháp) có đến trên 4000km đường dạo… cùng với việc phát hành rất nhiều sách hướng dẫn với nhan đề “Con đường- Thiên nhiên”.

Mặc dù Luật Liên bang Nga “Về các khu vực được bảo vệ đặc biệt” đã có hiệu lực từ ngày 14/3/2005. Tuy nhiên, nó vẫn chưa có quan điểm thống nhất và cách tiếp cận chung về phương pháp, đối với việc thành lập và quản lý các khu vực được bảo vệ đặc biệt. Một số tiêu cực điển hình đã nảy sinh trong quá trình tổ chức và khai thác các khu vực được bảo vệ đặc biệt, trong xác định quyền sở hữu đối với các khu vực được bảo vệ đặc biệt, trong tổ chức các mối quan hệ tương hỗ giữa chính quyền đô thị và các bộ ngành có chung đường ranh giới với các khu vực được bảo vệ đặc biệt. Một số quy trình liên quan còn bị chậm trễ, như chuyển đất công viên và đất công viên quố cgia thành đất của các khu vực và công trình được bảo vệ đặc biệt, hoặc việc bổ sung số liệu về diện tích và ranh giới của các khu đất này vào bản đồ địa chính quốc gia. Ngoài ra còn tình trạng trưng dụng đất của công viên.

Một trong những dạng tác động nhân tạo có hại nhất phải kể đến là sự “ăn mòn dần khu vực ngoại vi” của các khu vực thiên nhiên, tình trạng đổ rác thải bừa bãi tại các bãi sông, sự chia cắt khu vực này bởi các đường ô tô lớn. Nhiều khi việc xây dựng biệt thự tư nhân cũng giữ vai trò lấn đất của các khu vực thiên nhiên, bởi có nguy cơ người ta sử dụng đất dọc ranh giới của các khu rừng làm chỗ đỗ xe, xây dựng công trình kỹ thuật hoặc chặt hạ cây xanh. Đất trong ranh giới của các đường ven hồ chứa nước, tại các bìa rừng, tại các khu đất bên cạnh địa điểm xây dựng biệt thự và nhà ở thấp tầng bị đâm nát bởi xe ô tô. Để phòng tránh các tình trạng tiêu cực nêu trên, cần thiết phải thực hiện các biện pháp mang tính chất xây dựng, trong đó phải kể đến viẹc cải tạo hệ thống sinh thái rừng, bổ sung danh mục các khu cây xanh, trồng rừng trên đất có cây xanh bị chặt hạ, bảo đảm sự liên thông giữa các khu rừng tại khu vực liên vùng, nhằm đảm bảo sự di cư tự do của động vật hoang dã.

Hành lang sinh thái, trong đó có lưu vực sông, bãi bồi, hồ ao, dòng chảy, mỏ lộ thiên ngập nước giữ chức năng sinh thái quan trọng trong bộ khung thiên nhiên. Trong những điều kiện nêu trên, giá trị thẩm mỹ cảnh quan có các công trình mặt nước thường rất cao. Khi đánh giá về mặt cảnh quan đối với các công trình mặt nước cần tính đến đặc trưng của việc bố trí công trình, khả năng tiếp cận, quy mô và khả năng quan sát. Nhiều hồ chứa nước là nơi đẻ trứng của các loài chim hoang dã, bảo tồn các loại thực vật, côn trùng và cá quý hiếm. Việc bảo tồn được sự đa dạng động vật trong môi trường đô thị được xem như một tiêu chí thể hiện cho trình độ văn hoá sinh thái cao của cộng đồng. Từ năm 2002 cơ quan chuyên môn “Mosvodotok” đã triển khai chương trình phục hồi các sông nhỏ, các lưu vực của chúng và dòng chảy. Hiện nay, hàng loạt công việc phục hồi các công trình mặt nước đang được triển khai trên quy mô rất rộng. tại khu vực mỏ lộ thiên Strrogino đã  hình thành một hồ chứa nước rộng 100 ha, còn lưu vực Nagatino của sông Matxcoơva nhờ cải tạo nên đã hình thành một công viên lớn, với diện tích gần 130ha có mặt nước. Do được cải tạo trang bị tiện nghi mà lưu vực sông Yauzư tại khu vực kênh dẫn nước Rostokino đã bảo tồn được hệ sinh thái gần mặt nước độc đáo.

 
Nguồn: Tạp chí  Quy hoạch xây dựng, số 44/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)