Kiến trúc đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ năm, 06/05/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc là hiện thân của văn hoá nghệ thuật và lịch sử, không chỉ thoả mãn nhu cầu lưu trú, sinh hoạt của người sử dụng, ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư mà còn thể hiện sự phát triển về một nền văn hoá nghệ thuật của một thành phố, một đất nước trong một thời kỳ, một giai đoạn. Từng công trình kiến trúc là một phần quan trọng của cấu trúc không gian đô thị, góp phần tạo nên nét đặc trưng – Bản sắc riêng của mỗi đô thị.

Từ khi có chính sách mở cửa, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh bởi có nhiều lợi thế về tài chính, về tiếp cận khoa học kỹ thuật, về giao lưu văn hoá... đã làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt kiến trúc đô thị TP. HCM. Nhiều khu vực, công trình quy mô lớn, đa dạng về phong cách kiến trúc vượt quá dự báo về chuyên môn và khả năng của các nhà quản lý đặt ra nhiều vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu và cần thiết phải có định hướng, có một tầm nhìn lớn và lâu dài về quy hoạch tổng thể.

Với nhiều nỗ lực trong sáng tác của các KTS tuy chưa đủ hình thành trường phái hay chủ nghĩa, nhưng cũng đủ để nhìn nhận và khẳng định các xu hướng phát triển, để rút kinh nghiệm, để tiếp tục phát triển kiến trúc đô thị TP.HCM hiện đại, có những đặc thù riêng xứng đáng là thành phố thương mại, kinh tế và dịch vụ lớn nhất trong cả nước. Với mong muốn như vậy, xin tập trung đề cập đến một số hạn chế về hình thái kiến trúc đô thị từ góc nhìn cá nhân để trao đổi.

1. Kiến trúc đô thị tại TP. HCM

a) Kiến trúc đô thị

- Bố cục không gian: Do thực tế thiết kế và xây dựng riêng biệt theo ranh giới hành chính nên không gian tổng thể không có sự kết nối thành các vùng, tuyến, điểm rõ rệt, từ đó tạo cho chúng ta không dễ cảm nhận hình ảnh đô thị đặc thù. Thiết kế đô thị chưa được triển khai hoàn chỉnh nên các điểm nhận định hướng không gian đô thị không được xác định trong tổng thể cũng như trong từng khu vực. Mặt khác, các công trình cao tầng tuy đã được xây nhiều, xây chen nhưng không được quy hoạch trước, hoặc quy hoạch không hoàn chỉnh, tầm nhìn qui hoạch còn hạn chế và còn một vấn đề quan trọng nhất là còn bị áp lực rất lớn bởi một vài cá nhân có quyền nhưng không có chuyên môn, nên bóng dáng đô thị hiện đại vì thế chưa định hình rõ nét và chưa có giải pháp không gian tạo sự liên kết hài hoà với các khu hiện hữu và làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài.

- Mặc dù các khu đô thị mới đều được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch nhưng qua một số khu đô thị cho thấy: Không có các giải pháp đầy đủ về thiết kế đô thị và cũng chính như vậy các khu đô thị mới có những nét giống nhau về cách tổ chức không gian  song cũng lại có những nét riêng không giống ai. Hình ảnh quen thuộc của các khu đô thị mới là các nhà cao tầng làm hàng rào quây xung quanh các khu đất và lọt thỏm ở giữa là các nhà thấp tầng, hay như qui hoạch mở được một trục đường mới, một con đường mới nhưng không quy hoạch  được kiến trúc dọc theo các con đường đó. Chính vì những lý do trên ta thấy các công trình kiến trúc, các bố cục chung về không gian rất lộn xộn, tuỳ tiện và chính chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho tương lai khi có một quy hoạch chung hoàn chỉnh và toàn diện.

- Một sự chênh lệch về chiều cao quá lớn tạo nên sự hụt hẫng không gian cũng như sự rời rạc không có nhịp điệu của các nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc của hai dự án ở hai bên đường. Khu nhà biệt thự, nhà liền kề pha tạp hình thái kiến trúc đủ loại và đa màu sắc và hình như thiếu sự quản lý chung về quy hoạch cho thiết kế kiến trúc của các công trình này.

- Mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất lớn, thiếu các không gian mở, không gian công cộng là hình ảnh chung của các khu xây dựng mới. Nhiều khu đô thị biến những không gian mở thành các khu dịch vụ, bãi đỗ xe đạp, xe máy, bể bơi, nhà văn phòng cho thuê...

- Hầu hết các khu đô thị đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, trạm y tế, chợ, bến, bãi đỗ xe. Có thể nói cho đến nay đã có nhiều khu đô thị mới được xây dựng nhưng về cơ bản chưa có khu nào hoàn chỉnh và hoàn thiện – tất cả đều dang dở và trong quá trình xây dựng...

- Nhiều khu đô thị được xây dựng khá đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật ở bên trong ranh giới đất được giao, còn bên ngoài khu vực dự án thì còn nhiều bất cập, sự khớp nối giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào chưa có hoặc nếu có cũng không được tuân thủ nghiêm chỉnh.

- Các khu đô thị tổ chức giao thông theo kiểu ô cờ. Chiều dài mỗi đoạn phố khoảng trên 100m, có rất nhiều điểm giao cắt ngõ với ngõ, ngõ với đường chính, nhiều đoạn rẽ, đường cong song hầu như trong các khu đô thị này không có biển báo giao thông hay hệ thống giảm tốc giữa các điểm giao cắt đó, tình trạng mất an toàn giao thông thường xuyên xảy ra. Sự ùn tắc, thiếu các bãi đỗ xe và lấn chiếm đường để đỗ xe đã xuất hiện tại nhiều khu đô thị mới.

Nhìn lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển các khu đô thị mới cho thấy: Việc xây dựng cơ sở kỹ thuật hạ tầng tại các khu đô thị đã bắt đầu có bài bản hơn, từng bước đồng bộ và hiện đại, có quy hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn quy định – qua đó các khu đô thị mới đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu về cung cấp dịch vụ cơ bản phục vụ cho cuộc sống cư dân đô thị này, và cũng cần phải khẳng định rằng sự phát triển các khu đô thị mới đã đột biến thay đổi cách nhìn cũng như diện mạo kiến trúc đô thị TP.HCM trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bất cập lớn là thiếu sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị với hạ tầng bên ngoài các khu đô thị mà cụ thể là sự liên thông và kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải... không đảm bảo – các khu đô thị mới phát triển không có sự gắn kết với nhau trong một quy hoạch tổng thể cung của đô thị. Thiếu trầm trọng các công trình xã hội cơ bản. Chất lượng xây dựng công trình còn thiếu sót, tốc độ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở vẫn còn chậm.

b) Để khắc phục những hạn chế

Để khắc phục những mặt hạn chế và tồn tại trên, có một số kiến nghị như sau:

- Một là, quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới phải được xem xét trong quy hoạch chung xây dựng đô thị mà trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật là khung cơ bản phải thống nhất, đồng bộ và liên hoàn - Đảm bảo đáp ứng yêu cầu hiện tại song thuận tiện cho việc kết nối thành hệ thống trong tương lai.

- Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, đề cao thiết kế đô thị trong các đồ án này nhằm khai thác, phát huy những giá trị của những đặc điểm riêng mang tính địa phương của mỗi khu vực lập dự án.

- Ba là, cần có sự kiểm tra chặt chẽ và quyết liệt về quy hoạch và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Bốn là, các công trình hạ tầng xã hội cơ bản, dịch vụ công cộng phải được xây dựng song song và hoàn thành đồng thời với việc xây dựng các khu ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Năm là, kiểm tra lại cao độ nền, các đầu mối, các kết nối giao thông, các đường dây, đường ống (cấp nước,thoát nước, cấp điện...) để có các giải pháp quy hoạch, thiết kế phù hợp với tổng thể chung và khắc phục kịp thời các tồn động, các thiếu sót do quá trình xây dựng nhiều đời để lại.

- Sáu là các nhà đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung về xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như đã được đề ra trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng theo một lộ trình bắt buộc.

- Cuối cùng, cần có tổng kết, đánh giá việc xây dựng các khu đô thị mới, qua đó đề xuất sửa đổi những cơ chế, chính sách, các quy định... không còn phù hợp (về đất đai, vốn, tiêu chuẩn, quy chuẩn...), tiếp tục hỗ trợ ưu đãi các nhà đầu tư trong xây dựng và phát triển khu khu đô thị mới.

c) Kiến trúc công trình

- Ý thức xây dựng nền kiến trúc có tính dân tộc  và hiện đại là có thực, nhưng trong việc thực hiện đã có những sai lầm cơ bản, không những không đem lại được những công trình kiến trúc mang tính dân tộc hay hiện đại mà ngược lại sản sinh ra những công trình lạc lõng, chứa đựng mâu thuẫn nội tại, có hại đến sự phát triển của kiến trúc dân tộc và hiện đại đích thực.

- Phong cách kiến trúc chưa ổn định, thể hiện sự giằng co giữa cái cũ, truyền thống và cái mới, quốc tế hoá. Một vài dự án đô thị mới tuy sử dụng cùng một loại hình, ngôn ngữ kiến trúc tạo sự đồng bộ khu vực nhưng phong cách kiến trúc lại không phù hợp thời đại xây dựng và không ăn nhập với các khu vực khác xung quanh.

- Những biểu hiện của các công trình kiến trúc chưa tạo thành một trào lưu hay trong phong cách độc lập. Bộ mặt kiến trúc lộn xộn manh mún, pha tạp đủ thứ Đông  - Tây - Kim - Cổ, còn có công trình bắt chước các loại hình kiến trúc cổ như mái cong đình chùa, đắp chi tiết rườm rà, thậm chí các công trình 15 – 20 tầng cũng xây trên tầng thượng mái cong lợp ngói cổ, hoàn toàn tương phản với khối nhà cao tầng hình hộp bên dưới.

- Nhiều công trình thiết kế và xây dựng sử dụng ngôn ngữ kiến trúc, VLXD và hoàn thiện công trình chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam, điển hình là những công trình cao tầng bên ngoài bọc kính, đặc biệt là kính phản quang ở các hướng nắng Đông – Tây phản chiếu ánh sáng chói cả khu vực đối diện và làm ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu của khu vực xung quanh.

2. Nhận dạng, phân loại các xu hướng kiến trúc công trình

Do chỉ xét đến tính biểu hiện bên ngoài của hình thức kiến trúc công trình nên việc phân loại các xu hướng này mang tính đơn giản, khái quát hoá. Kiến trúc chia làm hai xu hướng chính, biểu hiện rõ nét, trong đó bao gồm các biểu hiện cụ thể là xu hướng hướng tới tương lai, hiện đại mới và xu hướng quay lại quá khứ Hoài cổ hay nhại cỏ.

a) Xu hướng Hướng tới tương lai – Hiên đại mới

Bao gồm các xu thế có dấu hiệu của các xu hướng kiến trúc sau: Công năng, kết cấu Biểu hiện, Biểu trưng, Hiện đại, Phỏng sinh học, Sinh thái... và Hiện đại kết hợp khai thác các đường nét, dáng dấp hay chi tiết các nước, vùng miền hay dân tộc, trong đó tính hiện đại là chủ yếu.

b) Xu hướng Quay lại quá khứ – Hoài cổ bao gồm các xu thế có dấu hiệu:

Cổ điển, Chiết trung, Tân cổ điển, Truyền thống... và hiện đại hoá, sơ lược hoá, đơn giản hoá hoặc hình tượng hoá các chi tiết kiến trúc truyền thống để hướng tới tính hiện đại trong công trình tính truyền thống vẫn là chủ yếu.

Trong từng các xu thế nhỏ của hai xu hướng này, tuỳ theo mức độ năng lực và trình độ của các tác nhân liên quan quản lý – kiến trúc sư – chủ đầu tư mà sản phẩm sẽ hình thành ở các mức độ khác nhau, ví dụ: nệ cổ, nhại cổ, hoài cổ, sao chép... là các mức độ của mọi xu thế của xu hướng hoài cổ.

Nhìn chung, hai xu hướng này nếu khai thác đúng, chính xác phù hợp với địa điểm xây dựng, tuỳ theo vùng miền, điều kiện tự nhiên khí hậu, cảnh quan, địa hình và điều kiện văn hoá hay tính chất của từng địa điểm, đặc thù hình thái không gian kiến trúc khu vực thì đều có thể phát huy để phù hợp.

3. Góp phần kiểm soát phát triển nâng cao chất lượng kiến trúc tại TP. HCM

a) Đối với xu hướng hoài cổ

Tuỳ tính chất công việc cụ thể, ví dụ áp dụng trong việc bảo tồn, khôi phục, phục hồi lại công trình nguyên khởi thì phải sao chép nguyên mẫu, còn lại không nên phát triển xu hướng này vì sẽ cản trở phát triển sáng tác kiến trúc.

b) Đối với xu hướng hiện đại hoá

Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo kiến trúc, công trình đánh dấu thời đại xây phản ánh được trình độ văn hoá và kinh tế xã hội thời kỳ xây dựng.

Trong hai xu hướng trên thì việc khai thác các yếu tố truyền thống trong xây dựng, công trình hiện đại hoặc ngược lại là xu thế cần được khuyến khích để tạo dựng  được các công trình phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội từng vùng miền, dần tạo dựng được bản sắc riêng biệt. Cụ thể:

Đối với xu hướng hoài cổ

- Khuyến cáo để chấm dứt việc sáng tác theo xu hướng nhại cổ, sao chép nguyên mẫu, kể cả trong các công trình mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng hay tâm linh trừ trường hợp đặc biệt như phục hồi, phục chế các công trình giá trị, các khu vực công năng có yêu cầu giới thiệu văn hoá: công viên, làng văn hoá các dân tộc, bảo tàng dân tộc...

Đối với xu hướng hiện đại mới

- Áp dụng tại các khu mới, đô thị mới hình thành, ngoại vi thành phố nhưng cần xem xét khi sử dụng vật liệu để phù hợp khí hậu địa phương tính nhiệt đới.

- Biểu hiện hiện đại kết hợp khai thác yếu tố truyền thống nên áp dụng tại vị trí các không gian: dấu ấn, điểm nhấn, cửa ngõ đô thị, trưng bày, triển lãm lớn.

- Biểu hiện sinh thái nên áp dụng tại các vùng có tính chất đặc biệt như khu du lịch hay trong các khu nghỉ, các công viên... nhưng cần lưu ý các công trình này cần nằm trong một tổng thể nhấn mạnh không gian cảnh quan, địa hình tự nhiên vốn có của khu vực hiện hữu.

- Các công trình mang tính biểu trưng nên được đặt tại vị trí có không gian lớn, đảm bảo tầm bao quát, quan sát, hoặc nằm ẩn mình trong thiên nhiên.

Kiến trúc là sản phẩm sẽ tồn tại với thời gian sử dụng. Dẫu biết rằng công việc tạo dựng phong cách kiến trúc còn phải trăn trở, nhưng hy vọng với sự quyết tâm, với sự đầu tư chiều sâu của nhiều kiến trúc sư các thế hệ để có công trình kiến trúc hiện đại mang hơi thở cuộc sống, kết hợp các yếu tố đáp ứng yêu cầu của xã hội nhân văn, tính sử dụng không gian truyền thống chắc sẽ tạo dựng thành công phong cách riêng cho đô thị TP.HCM và hài hoà chung với sự phát triển của toàn xã hội.

 

    Nguồn: Sài gòn đầu tư & xây dựng, xuân 2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)