Ảnh hưởng của các hệ thống công trình ngầm kỹ thuật đến quá trình thi công công trình giao thông ngầm tại các đô thị của Việt Nam

Thứ năm, 26/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mở đầuKhi triển khai xây dựng hệ thống giao thông ngầm tại các đô thị lớn, nhà thầu thường gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thi công phức tạp. Những điều kiện thi công đó bao gồm:

- Điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình.

- Điều kiện giao thông khu vực, mặt bằng xây dựng.

- Điều kiện các hệ thống công trình ngầm kỹ thuật.

Trong các điều kiện thi công trên, điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình là các điều kiện tự nhiên, không phụ thuộc vào yếu tố con người. Điều kiện giao thông khu vực, mặt bằng xây dựng và các hệ thống công trình ngầm kỹ thuật là những điều kiện phụ thuộc chủ yếu vào con người, do con người tạo nên. Các điều kiện này có vai trò rất quan trọng, có tác động không nhỏ tới quá trình thi công các công trình ngầm đô thị.

Bài viết này trình bày những ảnh hưởng của các hệ thống công trình ngầm kỹ thuật đến quá trình thi công công trình ngầm tại các đô thị lớn của Việt Nam. Có thể chia các hệ thống công trình ngầm kỹ thuật như sau:

- Hệ thống cống thoát nước.

- Hệ thống đường ống cấp nước.

- Hệ thống cáp điện lực.

- Hệ thống cáp thông tin liên lạc.

Các hệ thống ngầm trên được hình thành và xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và làm việc của người dân đô thị. Những công trình này thường được bố trí dọc theo các tuyến phố và chúng nằm độc lập thành từng hệ thống riêng biệt. Mặt khác do đường phố trước đây được xây dựng hầu hết là chật hẹp nên các hệ thống công trình này nằm rất sát nhau, có thể nằm cùng độ sâu hoặc khác nhau không đáng kể. Đến nay ở Hà Nội và TP. HCM cũng chưa có công trình ngầm kỹ thuật nào được xây dựng để chứa đựng tất cả các hệ thống trên. Do vậy hiện tượng đào bới đường để sửa chữa tại các tuyến phố thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên hiện nay mỗi hệ thống đều do một cơ quan chuyên ngành quản lý, các công trình này trước đây không được quan tâm đúng mức, nên rất khó để có đầy đủ các hồ sơ tài liệu hoàn công các hệ thống công trình ngầm này.

1. Hệ thống cống thoát nước đô thị

Hệ thống cống thoát nước đô thị do Công ty thoát nước thuộc Sở giao thông công chính quản lý. Hệ thống cống ngầm được dùng chung cho cả nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước thải công nghiệp. Độ sâu trung bình của cống là 1- 2m so với mặt đất. Nhiều tuyến cống không được nạo vét thường xuyên nên hay xảy ra ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Nước thải công nghiệp rất độc hại, tuy nhiên không được xử lý mà chảy trực tiếp ra mương, ra sông theo hệ thống thoát nước chung thành phố, gây ô nhiễm nặng nề đối với hệ sinh thái và môi trường sống của dân cư đang sinh sống gần sông hồ. Mặc dù các bản vẽ thiết kế đã được cơ quan chức năng lưu giữ nhưng không đầy đủ, thất lạc.

2. Hệ thống đường ống cấp nước đô thị

Hệ thống đường ống cấp nước của thành phố do Công ty kinh doanh nước sạch thuộc Sở Giao thông công chính quản lý. Trước đây, hệ thống ngầm làm chủ yếu bằng gang, đường kính khoảng 100- 500mm và có đầy đủ hồ sơ lưu trữ. Gần đây các tuyến đường ống thường được thiết kế và thi công bằng nhựa PVC, một số tuyến dùng vật liệu ống gang với đường kính lớn, chúng được đặt sâu khoảng 1m dưới mặt đất.

3. Hệ thống cáp ngầm điện lực

Hệ thống điện lực do Sở Điện lực quản lý. Các bản vẽ của tuyến cấp điện lực thường chỉ là các bản vẽ sơ hoạ, nhiều tuyến không có bản vẽ lưu trữ. Đối với các đường dây cáp điện đấu nối với nhà dân thì rất tuỳ tiện, không được quản lý chặt chẽ. Chiều sâu chôn cáp điện thường dưới 1m.

4. Hệ thống cáp ngầm thông tin liên lạc

Hệ thống cáp ngầm thông tin liên lạc thành phố chủ yếu là cáp điện thoại do Công ty điện thoại thuộc Sở Bưu chính viễn thông quản lý. Mặc dù mới phát triển nhưng hệ thống cáp thông tin liên lạc tại các đô thị lớn phát triển rất nhanh chóng. Các đường cáp thường được đặt trong các ống nhựa đường kính 100- 150mm và đặt sâu dưới 1m so với mặt đất. Hồ sơ về các tuyến đường cáp tương đối đầy đủ mặc dù các bản vẽ không được thể hiện theo đúng tỷ lệ.

Kết luận

Theo các thông tin đã tổng hợp ở trên, các công trình ngầm kỹ thuật tại các thành phố lớn của Việt Nam rất phức tạp, các tài liệu liên quan đến các công trình này không được quản lý chặt chẽ và đầy đủ. Mặt khác đây là các công trình hết sức nguy hiểm, dễ gây ra các hậu quả khó mà lường trước nếu không có sự thăm dò và tìm kiếm hồ sơ cẩn thận. Việc giải quyết các công trình này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do khả năng di dời, bảo vệ thậm chí nhiều khi không thể tìm được chủ nhân của các công trình này. Đây là công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư và nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án, chi phí có thể phát sinh đang kể do phải chờ đợi mặt bằng thi công công trình ngầm bằng phương pháp lộ thiên.

 

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, số 3/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)