Đô thị hoá vùng ven và những vấn đề quy hoạch phát triển

Thứ tư, 17/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Nếu như giai đoạn những năm 1990 khó ai có thể dự báo tỷ lệ đô thị hoá ở Việt Nam sẽ lên đến 35% cho tới năm 2020. Nhưng hiện nay đến năm 2008, tỷ lệ đô thị hoá đã xấp xỉ 29% và nhiều dự báo cho rằng tỷ lệ đô thị hoá ở Việt Nam có thể đạt 45 – 50% vào năm 2020.

Đó là quy luật tất yếu bởi tăng trưởng kinh tế ở nước ta hàng năm từ 1992 đến nay trung bình đạt 7 – 8%, tăng trưởng kinh tế đi liền gia tăng đô thị hoá và quá trình công nghiệp hoá đi liền với đô thị hoá cũng là quy luật chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu. Vừa có việc mở rộng ranh giới đô thị, vừa có sự chuyển hoá về chất bên trong các đô thị đã có. Chính vì vậy khái niệm vùng ven đô thị là rất phức tạp. Khu vực này hôm nay là vùng ven, chỉ vài năm sau đã lọt vào trong đô thị.

Tuy nhiên nổi bật các vấn đề ở vùng ven là quá trình đô thị hoá các làng xã. Quá trình này phản ánh đầy đủ nhất các quy luật của quá trình đô thị hoá với tất cả các mặt tích cực, tiêu cực của nó. Nó cũng là khu vực phản ánh tính đặc thù của quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, một nước nông nghiệp nghèo mới bắt đầu phát triển theo hướng công nghiệp hoá.

Xét cụ thể tại khu vực Hà Nội, thành phố lớn thứ 2 của cả nước. Quá trình đô thị hoá vùng ven có những đặc điểm theo từng giai đoạn phát triển khá rõ nét:

Giai đoạn từ năm 1968 đến 2003, sự gia tăng dân số đô thị tập trung đột biến vào các khu vực làng xã giáp ranh nội đô và lấp đầy các làng xã đã lọt vào nội đô. Quá trình đô thị hoá các làng xã diễn ra nhanh chóng trong khi các thể chế, chính sách quản lý chưa kịp ra đời. Đây có thể coi là giai đoạn bị động nhất của các đô thị, không riêng Hà Nội. Nhu cầu nhà ở bùng nổ do suốt thời gian bao cấp người dân không được xây dựng đã tạo nên làn sóng dãn dân nội thành, mua đất trong các làng xã nội đô và giáp ranh để xây dựng. Các làng xã như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Vĩnh Tuy, Giáp Bát... được lấp đầy và nhanh chóng trở thành các khu vực dân cư đô thị có mật độ xây dựng cao. Hầu như không giữ được các yếu tố truyền thống của làng nghề, làng truyền thống (làng Nghi Tàm, Ngọc Hà) như một số phương án quy hoạch đã từng mong muốn.

Các tuyến đường phát triển ra vùng ven cũng nhanh chóng được bao bọc 2 bên bởi hệ thống nhà chia lô, tạo nên diện mạo kiến trúc manh mún và lộn xộn, cho tới hôm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, quá trình đô thị hoá phức tạp hơn bởi các hướng phát triển ra vùng ven khác nhau. Làn sóng phát triển các khu đô thị mới khá mạnh như Linh Đàm, Trung Hoà, Nhân Chính, Mỹ Đình, Việt Hưng, Ciputra... tác động không nhỏ đến các biến đổi của các khu vực phụ cận chúng, tới các làng xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Long Biên. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới hình thành tác động trực tiếp đến các làng xã gần kề với số lượng công nhân ở trọ tăng đột biến, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, sức ép chuyển đổi nghề nghiệp tăng cao.

Trong các làng xã ngoại thành, quá trình đô thị hoá cũng thể hiện các diện mạo khác. Yếu tố dãn dân nội thành giảm mà thay thế là các yếu tố nhập cư ngoại tỉnh, nhập cư lao động tạm thời, chỗ ở của người lao động từ các khu công nghiệp gần kề và những biến đổi sâu sắc về đời sống xã hội, văn hoá của bản thân làng xã.

Ngoài ra các xu hướng phát triển trên, đầu tư đất cất trang trại cũng xuất hiện với các làn sóng đầu tư đất vùng Hoà Lạc, Ba Vì, Sơn Tây (Hà Tây cũ) với tầm nhìn xa của các nhà đầu tư bất động sản hướng tới các đô thị vệ tinh, du lịch tương lai.

Cả 2 giai đoạn, đô thị hoá vùng ven Hà Nội đều thể hiện đúng đặc điểm có tính quy luật của quá trình đô thị hoá ở Việt Nam. Vừa có đặc điểm của giai đoạn đô thị hoá thời kỳ công nghiệp hoá, vừa có đặc điểm của thời kỳ hậu công nghiệp và văn minh công nghệ cao. Đó là đô thị hoá từ dạng thuận chiều Nông thôn - đô thị chuyển sang dạng Đô thị hoá nhiều chiều hay Đô thị hoá khác biệt (Differential Urbanization). Các dòng dịch cư diễn ra cả trên phạm vi rộng nông thôn - đô thị lẫn phạm vi hẹp đô thị – vùng ven, từ vùng ven vào nội đô, đô thị - đô thị vệ tinh, dịch cư tại chỗ, dịch cư theo chiều sâu... Mỗi một dòng dịch cư lại có những đặc thù riêng và tạo ra các hệ quả riêng với sự phát triển của không gian và môi trường đô thị.

Trong tất cả các biến đổi xen cài tính chất nông thôn - đô thị, nửa nông thôn đô thị thì làng xã vùng ven và người dân nông thôn chịu các tác động trực tiếp và rõ nét nhất. Những tác động không phải hoàn toàn có lợi trên cả khía cạnh xã hội, văn hoá và tổ chức không gian đô thị.

Người nông dân khi chuyển thành người đô thị phải chấp nhận một thời kỳ quá độ để chuyển tiếp từ một đối tượng có thu nhập thấp trở thành đối tượng có thu nhập trung bình trong xã hội đô thị nếu không sẽ trở thành những người nghèo đô thị. So với mặt bằng xã hội hiện nay, người nông dân thu nhập thấp 1/3 người dân đô thị và cơ hội để phát triển không thể so sánh là tương đồng với người dân đô thị.

Sự chia nhỏ đất ở trong làng xã mang tính quy luật tất yếu, bán đi một phần đất ở để nâng cao thu nhập khi giá đất tăng là con đường tất yếu để cải thiện về thu nhập, đời sống. Chúng ta không thể hy vọng một người nông dân sẽ giữ nguyên 500 m2 đất ở của ông cha để lại trong khi thu nhập hàng tháng trên mảnh ruộng của mình không đủ con ăn học và chữa bệnh. Đất đai là tài sản có giá trị nhất và chia nhỏ đất, bán bớt một phần (chỉ giữ lại 80 – 120 m2) là hiện tượng xã hội không thể ngăn chặn, là cách ứng xử giảm bớt sự chênh lệch đời sống đô thị – nông thôn một cách chính đáng nhất. Vì vậy mật độ dân cư tăng là tất yếu, sự pha trộn dân cư làm giảm đi tính liên kết cộng đồng là tất yếu.

Tính đa dạng trong kiến trúc làng xã là tất yếu. Nếu chúng ta mong muốn một hình thái kiến trúc thống nhất trong làng xã là không tưởng bởi tính đa dạng của nhu cầu do các đối tượng ở quá khác nhau: Người làng xã cũ, người có thu nhập cao do tiền gửi nước ngoài về, cán bộ, công nhân, sinh viên thuê, trọ học... Trong những lô đất chia nhỏ, chức năng đa dạng sự hỗn tạp về hình thái là tất yếu. Phương thức tự xây vẫn buộc còn tồn tại và việc kiểm soát giấy phép xây dựng, trật tự nghiêm túc dường như bất khả thi.

Hạ tầng quá tải là tất yếu bởi hạ tầng làng xã truyền thống dựa trên giao thông đi bộ, mật độ dân cư từ 150 người/ha sẽ tăng lên khoảng 250 – 300 ng/ha với các phương tiện mới như xe máy, ô tô.

Phát triển nghề thủ công là xu hướng tốt nhưng đi liền với các nguy cơ giảm chất lượng môi trường sống do ô nhiễm. Làng nghề truyền thống thường không chạy theo số lượng sản xuất với quy mô lớn như làng nghề hiện nay. Số lượng và sự cạnh tranh trên một phương thức sản xuất cổ truyền, ít quan tâm đến môi trường tạo ra các nguy cơ ô nhiễm khó tránh khỏi. Còn nếu đã không có ô nhiễm tức là phải phá bỏ phương thức sản xuất truyền thống và chuyển sang khu công nghiệp tập trung.

Như vậy có nhiều khía cạnh phát triển không bền vững trong quá trình đô thị hoá vùng ven. Cần được xem xét, phân tích nguyên nhân một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho các giai đoạn sau.

Quá trình đô thị hoá vùng ven đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại công tác quy hoạch. Khi mà mỗi một biến đổi của không gian kèm theo sự biến đổi xã hội, nghề nghiệp, dân cư (quy mô lẫn chất lượng) rất lớn thì công tác quy hoạch theo cách làm hiện nay hầu như không đáp ứng được nếu không nói là hoàn toàn thất bại. Hơn 20 năm qua, chưa có một làng xã đô thị hoá nào được quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt. Những bức xúc của các vấn đề đô thị hoá vùng ven ngày càng căng thẳng hơn.

Vấn đề là công tác quy hoạch không đi cùng với phương thức phát triển gồm các kế hoạch thực hiện, nguồn vốn đầu tư, biện pháp kiềm chế các bất lợi về xã hội, việc tổ chức chuyển đổi nghề nghiệp, cách thức quản lý xây dựng riêng... Hiện nay đã có các hướng dẫn, quy chế về phát triển các khu Đô thị mới nhưng với khu vực làng xã ở vùng ven lại không có một hướng dẫn nào về mặt phát triển. Vì vậy khi áp dụng các yêu cầu, cách làm theo các Nghị định về quy hoạch hiện hành thì các quy hoạch hầu như không có tính thực tiễn, trở thành các quy hoạch treo.

Tính biến động của các khu vực vùng ven rất lớn, số lượng dân cư các làng xã tăng 2 – 3 lần chỉ trong vòng 3 – 5 năm. Nghề nghiệp thay đổi theo xu hướng dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng tạo ra các thay đổi về môi trường hạ tầng bị xuống cấp, suy giảm rất nhanh. Nhưng những chính sách quản lý, phát triển ít đề cập đến. Dường như đang có sự ỷ lại vào tính tự trị âm ỉ của các làng xã, mọi việc để người dân tự giải quyết. Khi mà luật pháp, chính sách không rõ ràng thì chính quyền địa phương cũng bất lực trước các biến động khó kiểm soát.

Sự phân bố các nguồn lực đầu tư cho các làng xã vùng ven là không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị. Các làng xã vùng ven không phải là khu vực mang lại những nguồn lợi trực tiếp cho một đối tượng đầu tư nào đó như đầu tư các khu đô thị mới, khu công nghiệp nhưng là nơi cung cấp nhân công lao động cho khu công nghiệp, lao động dịch vụ cho đô thị, nơi ở của các lao động phi chính quy, sinh viên, nơi làm ra các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Người dân làng xã khi mất ruộng được quá ít quyền lợi, trong đó phải có quyền được có một mô hình tổ chức cuộc sống mới tốt hơn những gì làng xã đang có hiện nay.

Chúng ta hy vọng vào bộ mặt của các khu đô thị mới sẽ làm thay đổi diện mạo của đô thị nhưng thực tế hình ảnh của đô thị không bỏ ra ngoài được hình ảnh của các khu làng xã đô thị hoá phát triển tự phát. Những ngôi nhà liền kề, siêu mỏng siêu méo bám vào các trục đường từ nội thành ra ngoại thành, đường quốc lộ chiếm lĩnh các vị trí tiếp cận quan trọng, tạo nên ấn tượng đô thị xấu xí, lộn xộn. Một thực tiễn là các khu đô thị mới thì có xu hướng khép kín, trong khi sự phát triển tự phát lại lan toả trên diện rộng, theo tính chất phân bố có mật độ dày của các làng xã.

Quy hoạch đô thị bị giới hạn trong phạm vi hành chính quá nặng nề trong khi các vấn đề vùng ven có môi quan hệ mật thiết với đô thị không kể nó có cùng một đơn vị hành chính hay không. Các khu công nghiệp hình thành, các khu đô thị mới hình thành trên địa bàn Hà Tây cũ, không thể nói là không liên quan gì đến Hà Nội, nhưng những tác động của nó tới dân cư làng xã vùng giáp ranh Hà Nội – Hà Tây thì không được nhìn nhận và thực hiện theo quy hoạch trong mối quan hệ vùng. Chỉ đến khi các vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải tác động chung mới bàn cách khắc phục.

Có thể ví sự phát triển của vùng ven hiện nay như một con đường lầy lội mà xe cộ vẫn phải qua lại bởi dòng đô thị hoá không thể dừng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn cho dù vùng ven là khó khăn, đường làng chật chội, thiếu nước sạch, ô nhiễm thì người dân vẫn phải sống.

Cái rơi vãi, mất đi dọc đường không lấy lại được là một nền văn hoá làng xã đang suy tàn, làng Việt với vai trò không thể phủ nhận là cái nôi văn hoá của vùng Đồng bằng sông Hồng đang suy tàn, các làng xã đô thị hoá đang không thể gìn giữ và phát triển được những giá trị tích cực của văn hoá truyền thống. Đó là cái mất lớn nhất, nguy cơ lớn nhất trong quá trình phát triển.

Trong vòng hơn 10 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu dân cư nông nghiệp thành dân cư đô thị. Riêng khi Hà Nội mở rộng sang Hà Tây sẽ có khoảng hơn 2 triệu dân nông nghiệp với gần 300 xã (hơn 1000 làng) sẽ chuyển thành các khu vực đô thị . Vấn đề vùng ven và làng xã đô thị hoá sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Có tỉnh rất quan tâm đến quy hoạch làng xã nên đã có dự kiến bố trí tiền quy hoạch cho mỗi xã là 15 triệu đồng. Điều đó nói lên vấn đề làng xã trong các chính sách chỉ đạo hình như vẫn còn là rất nhỏ, bởi một làng vẫn được coi là nhỏ. Nhưng hàng trăm, hàng ngàn làng thì không phải là vấn đề nhỏ. Cả một nền văn hoá cư trú truyền thống thì không phải là nhỏ.

Biến đổi của các vùng ven vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Và các câu hỏi vẫn ở phía trước. Tại sao không có các chiến lược phát triển vùng ven, chiến lược phát triển các làng xã vùng ven mà chỉ có chiến lược phát triển các đô thị? Mô hình làng xã đô thị hoá mẫu mực là thế nào? Nguồn lực nào để phát triển? Chính sách nào là ưu tiên để giữ gìn các giá trị văn hoá?

Người dân cũng hỏi: Bao giờ con cái tôi có được việc làm tốt? Bây giờ tôi sẽ làm nghề gì khi không có ruộng? Bao giờ làng tôi có nước sạch? Bao giờ đình làng được tu sửa lại? Bao giờ làng hết tắc đường, bao giờ ao làng hết bẩn? Bao giờ hết nghiện hút trong làng? Bao giờ làng có được sự bình yên như xưa?

Nhiều câu hỏi tương tự sẽ được đặt ra và hy vọng trong những năm tới quá trình đô thị hoá vùng ven sẽ có câu trả lời với những kết quả tích cực.

 

Nguồn: Tham luận của PGS.TS. Phạm Hùng Cường - ĐH Xây dựng HN tại Hội thảo Khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – Cơ hội và Thách thức”

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)