Công nghệ chế tạo hạt keramzit để ứng dụng sản xuất vật liệu nhẹ
Trên thế giới, bê tông cốt liệu nhẹ ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở nên phổ biến hơn. Bởi lẽ ngoài các ưu điểm của bê tông thường nó còn có tính cách âm, cách nhiệt tốt hơn và đặc biệt là tổng giá thành của công trình nhà cao tầng xây bằng bê tông nhẹ cốt liệu rỗng thường thấp hơn đáng kể so với sử dụng các loại bê tông khác. Bê tông cốt liệu nhẹ được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: làm khung, sàn, tường cho các ngôi nhà nhiều tầng; dùng trong các kết cấu vỏ mỏng, tấm cong; trong kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước; trong chế tạo các cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn.
Cốt liệu rỗng từ đá bọt đã được sử dụng tại Châu Âu từ cuối thế kỷ XIX. Những năm đầu thế kỷ XX người ta đã dùng lò quay để sản xuất cốt liệu rỗng nhẹ cường độ cao dùng bê tông nhẹ. Hiện nay chủng loại cốt liệu nhẹ rất đa dạng và phong phú . Được chia làm 2 loại theo nguồn gốc: cốt liệu rỗng tự nhiên và cốt liệu rỗng nhân tạo.
Cốt liệu rỗng tự nhiên có nguồn gốc núi lửa đá bọt, tuff núi lửa, xỉ núi lửa hoặc nguồn gốc trầm tích đá vôi, đá đôlômit rỗng, tuff đá vôi, trênpn - diatomic...
Cốt liệu rống nhân tạo được chia thành hai nhóm chính:
Nhóm thứ nhất: cốt liệu rỗng thu được qua gia công cơ học các loại xỉ xốp là những sản phẩm thải của công nghiệp luyện kim, hoá chất hoặc năng lượng.
Nhóm thứ hai: nhóm cốt liệu nhẹ nhân tạo keramzit được chế tạo bằng cách nung đất sét, diệp thạch, thuỷ tinh núi lửa làm phồng nở thành dạng hạt sau đó qua các khâu gia công cơ học sàng phân loại hoặc đập nhỏ rồi sàng phân loại để đạt được cốt liệu nhẹ có kích thước và cấp phối hạt cần thiết.
Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất hạt keramzit dựa trên hệ nguyên liệu địa phương trong nước, có những đặc tính ưu việt hơn, giá thành thấp hơn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển bê tông nhẹ trong tương lai.
Tác giả: TS Nguyễn văn Chánh, SV. Lê Phúc Lâm. Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM
Nguồn: Tài liệu Hội thảo "Công nghệ mới", tháng 9/2005, tại TP. HCM