Biên Hòa là một thành phố công nghiệp lớn của cả nước và là một trung tâm của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Nội dung điều chỉnh qui hoạch chung của TP. Biên Hòa đến năm 2010 và định hướng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa chính thức được công bố mới đây cũng đã xác định vị trí và vai trò quan trọng của thành phố này.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.499.60' /> |
Quy hoạch luôn là mối quan tâm của người dân. |
Đô thị mới sẽ trải dọc theo sông Đồng Nai.
Theo phương án điều chỉnh qui hoạch đã được công bố, không gian đô thị Biên Hòa sắp tới chủ yếu sẽ phát triển lên phía Bắc, dọc sông Đồng Nai, nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên đẹp, đồng thời thành phố sẽ không bị chia cắt bởi các trục giao thông đối ngoại quốc gia và liên vùng. Khu trung tâm hành chính - dịch vụ - thương mại và dân cư mới của TP. Biên Hòa sẽ được xây dựng tại khu vực phường Thống Nhất, nằm trên trục đường từ ngã tư Vườn Mít sang cù lao Hiệp Hòa, với qui mô ban đầu rộng 55 hecta và tương lai sẽ phát triển 150 hecta. Ngoài các hệ thống trung tâm thương mại - dịch vụ- công cộng được hình thành kết hợp điểm và tuyến, trong tương lai TP. Biên Hòa sẽ xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ quốc tế hiện đại, kết hợp với du lịch cảnh quan trên diện tích 140 hecta ở cù lao Hiệp Hòa.
Đô thị Biên Hòa hiện đại không thể thiếu những mảng cây xanh lớn, do vậy bên cạnh các công viên cây xanh nhỏ được tổ chức cho khu vực liên phường, phường, khu dân cư, đảm bảo tiêu chuẩn 3-4m2/người, sẽ xây dựng những công viên cây xanh tập trung lớn, như: công viên du lịch cù lao Hiệp Hòa rộng 272 hecta, công viên du lịch Bửu Long 203 hecta, công viên hồ suối Xóm Mai 250 hecta, công viên cù lao Tân Vạn 65 hecta, công viên cù lao Ba Xê 21 hecta, công viên Hóa An rộng 220 hecta được cải tại từ các mỏ đá đã khai thác và công viên dọc sông Cái...
Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân, ngoài các cơ sở y tế hiện có và đang được đầu tư xây dựng mới, thành phố dự kiến sẽ mở thêm bệnh viện quốc tế, bệnh viện y học dân tộc, bệnh viện phụ sản và trung tâm răng - hàm - mặt. Các trường đại học và dạy nghề chuyên nghiệp cũng được qui hoạch phát triển thêm như: khu vực trường đại học qui mô khoảng 150 hecta ở phường Long Bình Tân và xã An Hòa huyện Long Thành, thành lập trường đại học quốc tế liên doanh Amata, trường cao đẳng kỹ thuật cao khu vực cầu Sập và xây thêm một số trường chuyên nghiệp tại phường Trảng Dài...
Tạo bước phát triển mới về hạ tầng kỹ thuật
Cũng theo phương án điều chỉnh quy hoạch, trong tương lai hệ thống đường sắt Bắc - Nam đi qua nội thị Biên Hòa sẽ được cải tuyến từ ga Trảng Bom xuống phía Đông Nam thành
phố tại cổng 11, phường Long Bình từ đó vượt sông Đồng Nai qua Dĩ An tỉnh Bình Dương và nhập vào ga An Bình. Tuyến đường sắt hiện có sẽ trở thành tàu điện chở khách từ TP. HCM đi Biên Hòa. Tuyến đường sắt mới Biên Hòa đi Vũng Tàu dự kiến nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại vị trí cách cổng 11 khoảng 2 km về phía Đông Nam. Hệ thống đường thủy theo sông Đồng Nai sẽ được khai thác đúng mức, với cả một hệ thống cảng và bến bãi, bao gồm: cảng Long Bình Tân, bến đò ngang An Hảo, bến hàng hóa chợ Biên Hòa, cảng phía Bắc cầu Đồng Nai cùng các bến du lịch từ Bắc xuống Nam dọc sông Đồng Nai như bến phía Bắc, phía Tây và phía Nam Khu du lịch Bửu Long, bến Hóa An, Tân Vạn, Thống Nhất, Long Bình Tân, Bình Đa, cù lao Hiệp Hòa...
Đến năm 2020, hệ thống giao thông đường bộ cũng sẽ được mở mang, phát triển tương xứng với tầm vóc của đô thị mới Biên Hòa. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được xây dựng với lộ giới khoảng 120 mét; quốc lộ 1A sẽ được cải tuyến từ Trảng Bom đi song song phía Bắc đường sắt, nhập vào quốc lộ 51 tại cổng số 11 đến ngã 3 Vũng Tàu, rồi nối với QL1A cũ về TP.HCM. QL 1K đi từ cầu Hóa An tới xa lộ Đại Hàn sẽ là đường đôi, có lộ giới 55 mét. Đường Đồng Khởi sẽ kéo dài lên Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu có lộ giới 31 mét. Liên tỉnh lộ 16 từ ngã ba Tân Vạn đi dọc hữu ngạn sông Đồng Nai có lộ giới 30 mét. Dự kiến trong tương lai TP. Biên Hòa sẽ được xây dựng thêm nhiều cầu mới qua các sông, rạch để đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông và an toàn giao thông. Cụ thể, tại phía bến đò Trạm sẽ xây dựng cầu qua sông Đồng Nai nối tỉnh lộ 24 và tỉnh lộ 16; xây cầu Hóa An 2 phía hạ lưu cầu Hóa An hiện nay; làm 3 cầu qua sông Cái trên các trục đường trung tâm và đường cửa ngõ từ ngã 4 Vũng Tàu sang cù lao Hiệp Hòa. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tổ chức lại một số quảng trường tại các nút giao thông lớn như ngã ba Vườn Mít sẽ có bán kính đảo 30- 50 mét; xây dựng nút giao thông khác cốt tại ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Tam Hiệp, ngã ba Chợ Sặt, quốc lộ 51 với đường sắt và xây dựng đường đi bộ vượt hoặc ngầm qua các quảng trường trên.
Trong qui hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đợt đầu đến năm 2010, dự tính TP. Biên Hòa phải đầu tư hơn 3.214 tỷ đồng, bao gồm hệ thống giao thông 1.091 tỷ đồng tính số tròn, hệ thống thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường: 892 tỷ đồng, hệ thống cấp điện: 403,8 tỷ đồng, hệ thống thông tin - viễn thông: 386,3 tỷ đồng, hệ thống cấp nước : 107 tỷ đồng và chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng: 333,8 tỷ đồng. Trong đó, trọng tâm là xây dựng khu trung tâm hành chính - dịch vụ - thương mại mới của thành phố rộng 55 hecta tại phường Thống Nhất, dọc theo tuyến đường mới nối từ ngã tư Vườn Mít ra sông Cái sang cù lao Hiệp Hòa.
Theo Báo Đồng Nai