Nghiệm thu đề tài: Nhà ở thấp tầng sử dụng vật liệu và công nghệ theo hướng công nghiệp hoá xây dựng
Ngày 27/11/2006, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Xây dựng đã nghiệm thu đề tài "Nhà ở thấp tầng sử dụng vật liệu và công nghệ theo hướng công nghiệp hoá xây dựng" do GS.KTS Nguyễn Mạnh Thu thuộc trường Đại học Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.
Phát triển công nghiệp hoá đất nước, trong đó công nghiệp hoá nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng của chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc nghiên cứu phổ cập ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ mới để phục vụ phát triển là hết sức quan trọng, trong đó nghiên cứu nhà ở thấp tầng cho các dân tộc miền núi phía Bắc theo xu hướng công nghiệp hoá xây dựng thực sự là một vấn đề rất cần thiết và kịp thời, mang lại hiệu quả xã hội to lớn nếu vấn đề này được giải quyết. Đề tài này được thực hiện dựa trên 2 mục tiêu chính sau:
- Mục tiêu thứ nhất: Dựa trên các cơ sở khoa học và thực tế để xác định phương hướng xây dựng nhà ở cho một số dân tộc, cụ thể là:
+ Về xã hội: Ngôi nhà phù hợp với phương thức sống, lối sống truyền thống, văn hoá phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nhưng tạo điều kiện ăn, ở, vệ sinh và văn minh.
+ Về mặt tự nhiên: Phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu.
+ Về mặt kỹ thuật: Tìm kiếm một công nghệ thích hợp cho việc xây dựng nhà ở cho các dân tộc trên cơ sở kết hợp sản xuất công nghiệp và tận dụng những vật liệu và nhân lực của địa phương.
+ Về mặt kinh tế: Ngôi nhà cần phải có giá thành thấp, phù hợp với khả năng kinh tế của người dân.
+ Về môi trường sinh thái: Giải pháp kỹ thuật của ngôi nhà hợp lý, tránh chặt phá cây rừng gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
- Mục tiêu thứ hai: Đề xuất giải pháp xây dựng theo hướng công nghiệp hoá, cụ thể là:
+ Về kết cấu: Nghiên cứu những hệ sườn kết cấu điển hình lắp ghép bằng loại vật liệu công nghiệp, có thể lắp ráp thủ công đa dạng với nhiều thể loại nhà ở của mỗi dân tộc khác nhau, nhưng phải đơn giản phổ thông, giá thành hạ mà vẫn đảm bảo bản sắc kiến trúc ngôi nhà của mỗi dân tộc.
+ Về vật liệu: Sử dụng các loại vật liệu sẵn có tại địa phương có kết hợp vật liệu đã qua công nghiệp chế biến nhằm đảm bảo độ bền trước điều kiện xâm thực của khí hậu, đồng thời hình ảnh ngôi nhà và vật liệu của nó gần gũi với vật liệu trong ngôi nhà dân gian, có khả năng tái sử dụng, dễ thay thế.
Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm 4 vấn đề sau: Một là tìm hiểu, khảo sát và phân tích ngôi nhà dân gian truyền thống ở miền núi phía bắc; hai là xây dựng những cơ sở khoa học để đề xuất giải pháp về nhà ở của các dân tộc tại khu vực này; ba là đề xuất giải pháp công nghệ thích hợp và những giải pháp để xây dựng nhà ở theo xu hướng công nghiệp hoá. Nội dung cuối cùng là lựa chọn phương án cụ thể đưa một số dân tộc chính để minh hoạ những kết quả đề xuất.
Đặc biệt, trong nội dung nghiên cứu của đề tài, tác giả đã đi sâu vào việc nghiên cứu nhà ở truyền thống của 7 dân tộc có số dân đông nhất trong tổng số 31 dân tộc ở vùng núi phía Bắc Tày, Thái, Mường, Nùng, H'Mông, Dao, Sán Chay và đưa ra những cơ sở khoa học và đề xuất một hệ lắp ghép "mở" với các cấu kiện "nhỏ". Ngôi nhà "mở" của các dân tộc cần được xây dựng xuất phát từ những yêu cầu sau:
- Về tổ chức không gian chức năng: Triệt để khai thác cách tổ chức chức năng của ngôi nhà truyền thống, cải tiến những yếu tố bất cập của chúng.
- Về kết cấu và vật liệu: Tác giả đề xuất tách hệ kết cấu chịu lực khỏi hệ kết cấu bao che. Hệ kết cấu chịu lực là một hệ khung lắp ghép được chế tạo bằng phương pháp công nghiệp với công nghệ hiện đại. Đó là hệ lắp ghép "mở" với cấu kiện "nhỏ" có khả năng vận chuyển và lắp dựng bằng phương pháp thủ công. Vật liệu sử dụng bằng bê tông khí, bê tông sỏi nhẹ và bê tông dự ứng lực nhằm giảm bớt việc chặt phá cây rừng. Ngoại trừ móng được đổ tại chỗ, các kết cấu bao che có thể thực hiện bằng hai cách, hoặc sử dụng vật liệu và cấu kiện công nghiệp được chế tạo trước tại nhà máy, hoặc sử dụng một phần hay toàn bộ bằng vật liệu địa phương truyền thống. Khả năng kết hợp linh hoạt này cho phép tân dụng vật liệu sẵn có phù hợp với điều kiện của từng gia đình và có thể tiến hành xây dựng theo giai đoạn phù hợp với điều kiện và khả năng kinh tế.
- Về công nghệ xây dựng: Thực hiện nguyên tắc tự xây với kỹ thuật và các mối liên kết đơn giản, xuất phát từ áp dụng các liên kết gỗ của kiến trúc truyền thống.
- Về thẩm mỹ: Tôn trọng và gìn giữ những giá trị về bản sắc kiến trúc của từng dân tộc. Điều đó thể hiện cụ thể ở việc lựa chọn hình dáng tiết diện, kích thước của cấu kiện, của ngôi nhà với màu sắc và các chi tiết trang trí kiến trúc truyền thống.
Tóm lại, xây dựng nhà ở thấp tầng miền núi bằng giải pháp công nghiệp hoá với công nghệ thích hợp là phương hướng quan trọng, vừa đảm bảo nâng cao điều kiện sống cho người dân tộc để từng bước xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu, vừa góp phần gìn giữ bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bảo các dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi thế, ngôi nhà cần có giá thành thấp, phải kết hợp với khả năng tận dụng các vật liệu địa phương, được tiến hành theo phương thức tự xây theo từng giai đoạn.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở để đề xuất những giải pháp cho các dân tộc khác của khu vực cũng như là tài liệu tham khảo để giải quyết nhà ở cho các dân tộc ở các vùng núi khác của Việt Nam. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao và xếp loại Xuất sắc.
Nguyễn Hồng Trang