Thông tư hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng

Thứ hai, 27/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/11/2006 Bộ Xây dựng đã ra Thông tư số 08/2006/TT-BXD Hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng. Thông tư này hướng dẫn các tổ chức và cá nhân có liên quan về nội dung, trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc mọi nguồn vốn, hình thức sở hữu trên lãnh thổ Việt Nam.
Công tác bảo trì nhằm duy trì những đặc trưng kiến trúc, công năng công trình đảm bảo công trình được vận hành và khai thác phù hợp yêu cầu của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.
Công việc bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo các cấp bảo trì như sau: Cấp duy tu, bảo dưỡng: được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư hỏng của từng chi tiết, bộ phận công trình. Cấp sửa chữa nhỏ: được tiến hành khi có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các chi tiết đó. Cấp sửa chữa vừa: được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở một số bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các bộ phận công trình đó. Cấp sửa chữa lớn: được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.
Công tác bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo quy trình bảo trì. Nội dung quy trình bảo trì tuân thủ các quy định của Tiêu chuẩn về bảo trì công trình xây dựng. Trình tự thực hiện bảo trì gồm các bước sau: Đối với công trình xây dựng mới, việc thực hiện bảo trì theo quy trình do nhà thầu thiết kế lập. Đối với công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng phải thuê tổ chức kiểm định chất lượng công trình có đủ điều kiện năng lực kiểm định, đánh giá chất lượng và lập quy trình bảo trì công trình.
Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật khi sửa chữa công trình có kinh phí dưới 07 tỷ đồng và lập dự án đầu tư khi sửa chữa công trình có kinh phí trên 07 tỷ đồng để trình người có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không đủ điều kiện năng lực, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực làm các công việc trên. Đối với công tác bảo trì theo cấp duy tu, bảo dưỡng thì chủ sở hữu, quản lý sử dụng lập dự toán phù hợp với nguồn kinh phí bảo trì và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với công tác bảo trì có kinh phí dưới 1 tỷ đồng thì chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng có thể không lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý thực hiện dự án.
Khi thực hiện bảo trì công trình mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng không phải xin giấy phép xây dựng.
Công tác bảo trì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường như: Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, cho người thi công, người sử dụng và các phương tiện giao thông, vận hành trên công trình; Lựa chọn các biện pháp và thời gian thi công hợp lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn, khói, bụi, rung động,... do xe, máy và các thiết bị thi công khác khi thực hiện các hoạt động bảo trì gây ra; Tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường; các quy phạm an toàn lao động; an toàn trong thi công; an toàn lao động trong sử dụng máy móc, thiết bị thi công.
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 05/2001/TT-BXD và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Nguyễn Thị Đỗ Hạo
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)