Trong khi các nước đang phát triển muốn nhận được nhiều tiền hơn để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu, các nước phát triển chủ trương khuyến khích tài chính hướng tới việc cắt giảm khí phát thải.
Các đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow (Scotland), ngày 2/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bước sang ngày họp thứ 8, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) ngày 8/11 sẽ thúc đẩy thỏa thuận về cách thức giúp các nước dễ bị tổn thương ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu và đền bù cho những nước đó về những thiệt hại đã phải hứng chịu.
Đây sẽ là phép thử liệu các nước đang phát triển và các nước giàu có thể chấm dứt tranh cãi về tiền hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu hay không.
Trong khi các nước đang phát triển muốn nhận được nhiều tiền hơn để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu gây hạn hán, lũ lụt và cháy rừng thường xuyên hơn, các nước phát triển chủ trương khuyến khích tài chính hướng tới việc cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Anh, nước chủ nhà của hội nghị, sẽ thông báo khoản tài trợ mới trị giá 290 triệu bảng Anh (391 triệu USD), bao gồm hỗ trợ các nước ở châu Á-Thái Bình Dương ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Đây sẽ là cam kết mới nhất bên cạnh hàng tỷ USD tài trợ quốc tế bổ sung đã được các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản và Đan Mạch cam kết hỗ trợ cho quá trình thích ứng và phục hồi tại các nước dễ bị tổn thương, trong đó nhiều nước đã phải trải qua những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố, bà Anne-Marie Trevelyan, người được Chính phủ Anh chỉ định phụ trách lĩnh vực thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh “phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn biến đổi khí hậu đẩy nhiều người vào cảnh đói nghèo."
Bà cũng nêu rõ mục tiêu của nước Anh là hướng tới “phát triển bền vững và một tương lai thích ứng với khí hậu cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau.”
Chỉ còn 5 ngày để các cuộc đàm phán ở Glasgow đạt được các thỏa thuận cần thiết nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - giới hạn để thế giới tránh được những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị thượng đỉnh COP15 cách đây 12 năm ở Copenhagen (Đan Mạch), các nước giàu đã hứa đến năm 2020 chuyển cho các nước đang phát triển 100 tỷ USD/năm để giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu này đã bị bỏ lỡ và tại COP26, các nước giàu cho biết họ sẽ đạt được mục tiêu này muộn nhất vào năm 2023, thậm chí một số nước kỳ vọng có thể thực hiện sớm hơn 1 năm.
Vấn đề khó khăn hơn đối với các nước giàu là làm thế nào để bồi thường cho các nước kém phát triển hơn về những tổn thất và thiệt hại do phát thải trong quá khứ - lĩnh vực chưa có cam kết cụ thể nào được đưa ra.
Emily Bohobo N'Dombaxe Dola, điều phối viên của Nhóm công tác của khối thanh niên chính thức tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc các chính phủ và các nhà tài trợ phải nâng mức tài chính công bằng và các kế hoạch giải quyết tổn thất và thiệt hại cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu”.