Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị AMM- Ảnh: BNG
Chuẩn bị cho chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra trực tuyến từ ngày 26-28/10, các nước tiến hành rà soát chương trình nghị sự, hoạt động và khoảng 100 văn kiện dự kiến sẽ được trình các lãnh đạo thông qua và ghi nhận.
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 24, các nước hài lòng về tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025 với 98% dòng hành động đã và đang được triển khai; đánh giá cao đóng góp của các cơ quan chuyên ngành thuộc trụ cột chính trị-an ninh trong ứng phó với COVID-19, phục hồi sau dịch bệnh và ứng phó với thảm họa thiên tai.
Các nước cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác phòng chống khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác quốc phòng, tư pháp, quản lý biên giới, ma túy, thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các đối tác, các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực. Các đại biểu nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong 4 lĩnh vực mới, gồm ứng phó với COVID-19; tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; an ninh mạng và Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh nhằm nâng cao tính thích ứng và thích nghi của trụ cột chính trị-an ninh trước các thách thức mới đang nổi lên.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 30, các nước đã thảo luận các sáng kiến sẽ trình lãnh đạo cấp cao lần này gồm thúc đẩy tiếp cận tổng thể ứng phó với thảm hoạ và các tình huống khẩn cấp; đề cao chủ nghĩa đa phương; xây dựng nhận thức chung về kinh tế biển xanh; chiến lược tổng hợp về CMCN 4.0; lập Nhóm đặc trách cao cấp xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025…
Ứng phó với COVID-19, ASEAN sẽ sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ COVID-19, phấn đấu cung cấp lô vaccine đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022. Với tinh thần tương thân tương ái, ASEAN sẽ chia sẻ vaccine giữa các nước thành viên, các nước cám ơn Singapore sẵn sàng chia sẻ phần vaccine được phân bổ cho các nước thành viên khác.
Các nước cam kết tiếp tục đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và sớm có quyết định về thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED). Hướng tới phục hồi, các nước đều cho rằng cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển thiết yếu, triển khai thoả thuận Khung hành lang đi lại ASEAN, tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận điện tử đã tiêm vaccine cho người dân.
Hội nghi được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: BNG
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), các Bộ trưởng đã trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác với các đối tác và thảo luận về một số vấn đề khu vực và quốc tế. Duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN được đặc biệt đề cao, coi là yếu tố then chốt bảo đảm thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Thảo luận về quan hệ đối ngoại, các nước nhất trí cần tiếp tục khuyến khích các đối tác đóng góp xây dựng cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia hợp tác khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, góp phần xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng thảo luận và nhất trí phương thức hợp tác giữa ASEAN với Vương quốc Anh, đối tác đối thoại mới nhất của ASEAN.
Các nước cũng trao đổi tình hình Biển Đông, Myanmar và một số vấn đề cùng quan tâm. Về Biển Đông, các đại biểu nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của ASEAN và nhu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm và tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin...
Bộ trưởng Ngoại giao Brunei, Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar đã cập nhật tình hình triển khai nhiệm vụ. Các nước nhất trí cần đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar trước tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19; hoan nghênh chuyến hỗ trợ nhân đạo đầu tiên gồm các trang thiết bị y tế trị giá 1,1 triệu USD đã được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Myanmar ngày 15/9 vừa qua; đề nghị Myanmar phối hợp và tạo thuận lợi cho hoạt động của đặc phái viên, trong đó có hỗ trợ các bên liên quan đối thoại, tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Chủ tịch Brunei đã nỗ lực duy trì hợp tác ASEAN trong giai đoạn khó khăn này, khẳng định Việt Nam đã tham gia tích cực triển khai các các ưu tiên năm 2021 và sẽ phối hợp chặt chẽ bảo đảm thành công của các hội nghị cấp cao sắp tới.
Việt Nam hoan nghênh các kết quả đã đạt được trong xây dựng Cộng đồng, đề nghị tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành và liên trụ cột, nâng cao năng lực ứng phó trước các thách thức như COVID-19, biến đổi khí hậu, các vấn đề về biển cũng như bảo đảm các dòng hành động được triển khai sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp và thiết thực cho người dân và xã hội.
Về ứng phó với COVID-19, là một trong 3 nước ASEAN đang nỗ lực tự chủ nghiên cứu và sản xuất vaccine, Việt Nam đề xuất ASEAN nâng cao khả năng tự cường vaccine thông qua xây dựng chuỗi cung ứng vaccine khu vực.
Được biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố danh mục đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED); nhấn mạnh ASEAN cần tập trung các nỗ lực hỗ trợ các nhóm người và vùng miền chịu tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có các tiểu vùng cũng như hỗ trợ các ngành nghề có điều kiện nhanh chóng phục hồi. Nhân dịp này, Việt Nam thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.
Chia sẻ về các thách thức đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng cạnh tranh ngày càng gay gắt và sâu rộng giữa các nước lớn đang tạo ra hệ lụy to lớn đối với khu vực; nhấn mạnh ASEAN cần theo dõi sát các diễn biến, duy trì đoàn kết, tự cường và giữ vững vai trò trung tâm và độc lập của ASEAN. Việt Nam cũng đề nghị ASEAN duy trì cách tiếp cận hài hòa, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc đối với các vấn đề ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh khu vực, vừa khuyến khích các đối tác tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để thúc đẩy đối thoại và lòng tin, cùng xử lý các quan tâm chung.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin và tin cậy, thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, đồng thời ASEAN cần tiếp tục phối hợp chặt với Trung Quốc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Trao đổi về tình hình Myanmar, Bộ trưởng hoan nghênh chuyến hỗ trợ nhân đạo đầu tiên tới Myanmar là tiến triển đáng khích lệ nhằm hỗ trợ cho người dân ở Myanmar; ủng hộ các nỗ lực của Chủ tịch ASEAN cũng như Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar sớm triển khai nhiệm vụ và mong rằng Myanmar sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đặc phái viên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.