Triển khai các hoạt động chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, từ ngày 28-29/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng “Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội”.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, tại nhiều nước ASEAN, công tác xã hội vẫn chưa được pháp luật công nhận là một nghề chuyên nghiệp. Nhiều quốc gia vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của công tác xã hội trong đời sống của người dân và quản lý nhà nước của mình nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế. Các thách thức liên quan đến nguồn lực, bao gồm nhân sự chuyên nghiệp với các kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp cũng như các nguồn lực tài chính trong công tác xã hội là những rào cản để phát triển công tác xã hội trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung.
Trong bối cảnh đó, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thay đổi lớn lao, có ý nghĩa bước ngoặt trước những tiến bộ của khoa học và công nghệ, của cách mạng 4.0 hay xã hội già hóa và biến đổi khí hậu kéo theo cả những thiên tai. Những thay đổi đó vừa tạo ra cơ hội những cũng kéo theo những thách thức đối với đường lối chính sách về phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, trong đó có vấn đề phúc lợi xã hội và công tác xã hội.
“Việt Nam luôn coi trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là một trong những kim chỉ nam quan trọng của sự phát triển đất nước. Với đặc điểm lịch sử của đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số lượng những người tiếp cận dịch vụ công tác xã hội của Việt Nam rất lớn (khoảng 20 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số). Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên Việt Nam cũng nhận thấy cần phải tăng cường và kiện toàn khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội thông qua việc xây dựng Luật riêng về Công tác xã hội để làm cơ sở định hướng phát triển CTXH một cách chuyên nghiệp cũng như điều chỉnh các nội dung liên quan trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành.
Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong muốn được phối hợp với các nước thành viên ASEAN và UNICEF cùng các đối tác xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội, dự kiến sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2020 thông qua nhằm khẳng định sự ủng hộ về mặt chính trị và cam kết cao của ASEAN đối với sự phát triển công tác xã hội trong khu vực trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Liên hợp quốc.
Trình bày tổng quan và mục tiêu của Hội thảo khởi động xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển công tác xã hội, đại diện Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh lực lượng dịch vụ xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ và tăng cường phúc lợi cho trẻ em, các nhóm yếu thế và gia đình họ cũng như cung cấp các hệ thống phúc lợi xã hội.
Theo Ban Thư ký ASEAN, nghề công tác xã hội đã đạt được tiến bộ đáng kể về phát triển lực lượng dịch vụ xã hội nhưng giữa các nước có những chênh lệch đáng kể về cách thức mà lực lượng lao động vận hành và được cấu trúc, đào tạo, hỗ trợ ở cấp quốc gia. Trong đó, có những khoảng trống đáng kể như: Một vài nước có khung pháp lý về chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội; Tỷ lệ người làm công tác xã hội thấp so với dân số; Ở một vài nước năng lực của lực lượng lao động vẫn thấp; Các sơ sở đào tạo chưa mạnh và ngân sách còn hạn chế.
Do đó, Hiệp hội công tác xã hội ASEAN mà đi đầu là Chính phủ Việt Nam đã khởi động sáng kiến xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác Xã hội nhằm: Thiết lập sự đồng thuận khu vực về quy mô và nhiệm vụ của lực lượng lao động làm dịch vụ xã hội; Nâng cao năng lực khu vực trong việc lên kế hoạch, phát triển hỗ trợ lực lượng lao động làm dịch vụ xã hội; Xây dựng một tuyên bố về phát triển công tác xã hội.
Việc khởi động sáng kiến xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác Xã hội sẽ khuyến trợ, tăng cường khuôn khổ pháp luật và chính sách của các nước thành viên ASEAN về công tác xã hội và lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội. Đồng thời hiểu thấu đáo, cam kết và chuẩn bị kế hoạch để có được một lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội được đào tạo, có kỹ năng, có mặt ở khắp nơi và được hỗ trợ tốt. Cùng với đó, đạt được đồng thuận về nhu cầu, nội dung và quy mô của một tuyên bố về phát triển lực lượng công tác xã hội/dịch vụ xã hội.
Theo Chương trình, trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung vào các nội dung gồm: Tăng cường sự hiểu biết, cam kết và lập kế hoạch cho một lực lượng lao động xã hội và dịch vụ xã hội được đào tạo, có nguồn lực, được phân cấp và hỗ trợ tốt; Chia sẻ luật pháp và chính sách hiện hành tại các nước thành viên ASEAN về công tác xã hội và lực lượng lao động dịch vụ xã hội; Lập bản đồ khu vực về lực lượng lao động dịch vụ xã hội; Thảo luận về nhu cầu, nội dung, phạm vi cho dự thảo Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội./.
Theo Dangcongsan.vn