Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Các Hội nghị đã rà soát công tác chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN-35 và các Cấp cao liên quan (sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ 31/10 - 4/11/2019), bao gồm dự kiến chương trình hoạt động, nội dung nghị sự và danh mục các văn kiện sẽ được trình Lãnh đạo Cấp cao. Dự kiến sẽ có 11 Hội nghị của Lãnh đạo ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Cấp cao ASEAN+3 và EAS), Hội nghị Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cấp cao Mekong - Nhật Bản.
Ngoài ra, các Lãnh đạo ASEAN sẽ có buổi làm việc với các khách mời của nước Chủ tịch. Khoảng 44 văn kiện sẽ được các Hội nghị Cấp cao thông qua với nội dung bao trùm nhiều lĩnh hợp tác quan trọng, là quan tâm chung của ASEAN và các Đối tác. Lễ Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam cũng sẽ được tổ chức dịp này.
Tại Hội nghị SOM ASEAN, nước Chủ tịch Thái Lan và Ban Thư ký ASEAN đã cập nhật tình hình triển khai các sáng kiến theo chủ đề và ưu tiên của ASEAN năm 2019 gồm: Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về “Quan hệ đối tác vì sự bền vững”, xây dựng lộ trình 2020-2025 thúc đẩy tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc 2030 về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), gắn kết các sáng kiến kết nối…
Đồng thời, trao đổi về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác; các nước hoan nghênh những kết quả đạt được trong triển khai các chương trình hợp tác hiện nay; đề xuất các biện pháp nhằm lồng ghép, gắn kết các chương trình hợp tác hiện có, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả và thực chất các mục tiêu và ưu tiên của năm 2019, các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác.
Hội nghị SOM ASEAN cũng trao đổi, thống nhất chương trình và nội dung thảo luận của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) tổ chức thường niên bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tháng 9/2019); báo cáo kết quả khảo sát Timor-Leste của trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và trao đổi các bước tiếp theo nhằm đánh giá toàn diện và đề ra lộ trình phù hợp cho việc Timor-Leste xin gia nhập ASEAN.
Tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 (với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), các nước đã rà soát và trao đổi các dự thảo văn kiện sẽ trình lên các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 22 và Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 14 (Thái lan, 11/2019); trao đổi về tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như kết nối, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống phát tán ma tuý trái phép và tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững. Đồng thời kiểm điểm tình hình hợp tác và đề xuất phương hướng thúc đẩy các tiến trình ASEAN+3 và EAS trong giai đoạn tiếp theo. Các Đối tác khẳng định sẽ tham gia và đóng góp tích cực tại các Hội nghị trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 35 sắp tới, trong đó sẽ công bố nhiều sáng kiến, định hướng hợp tác mới với ASEAN; thảo luận các biện pháp hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như ứng phó với các thách thức chung, các vấn đề đang tác động đến tình hình an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, với vai trò nước Chủ tịch tiếp theo của ASEAN trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Thái Lan trong thúc đẩy triển khai các ưu tiên của ASEAN năm 2019, khẳng định sẽ tiếp nối, triển khai hiệu quả, thực chất các ưu tiên của ASEAN nói chung và năm 2019 nói riêng, hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN gắn kết, chủ động ứng phó linh hoạt và hiệu quả trước các tác động khó lường từ môi trường khu vực và quốc tế hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nêu các đề xuất, định hướng ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020 nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế, nâng cao thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường nhận thức về cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thứ trưởng cũng ủng hộ các nỗ lực cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, chú trọng các biện pháp giúp ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội và thích ứng tốt hơn với thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Các đề xuất nhận được sự ủng hộ cao cũng như những ý kiến tham gia đóng góp tích cực của các nước ASEAN và các đối tác./.
Theo Chinhphu.vn