Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với IFC phát triển hết sức tốt đẹp, không chỉ là vấn đề tài trợ vốn mà Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến tư vấn về chính sách vĩ mô, tài chính. Sự hợp tác của IFC, sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng điều hành vĩ mô, năng lực quản trị.
Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, các chỉ số vĩ mô rất tốt, thu ngân sách bảo đảm chỉ tiêu đề ra, đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá... Trong thành tựu đó có sự hợp tác, giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB) và IFC.
Ông Philippe Le Houérou bày tỏ ấn tượng lần đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị Tổng Giám đốc IFC và mong muốn tìm hiểu kỹ đất nước, văn hoá, con người cũng như các lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Ông rất yêu quý Việt Nam, coi Việt Nam là đất nước phù hợp để IFC mở rộng hợp tác.
Tổng Giám đốc IFC nhất trí đánh giá Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô; vui mừng trước những thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế và mong được tiếp tục chứng kiến trong thời gian tới.
Ông Philippe Le Houérou nêu rõ, các hoạt động của IFC tại Việt Nam gần đây đã tăng trưởng gấp đôi và có tiềm năng lớn về hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. IFC tin tưởng có thể giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, hỗ trợ xây dựng đường dây truyền tải điện từ Lào sang Việt Nam, phát triển việc sử dụng khí hoá lỏng. Ông tin Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Việc phát triển thị trường vốn ở Việt Nam là hết sức quan trọng.
Quan điểm của IFC là hai bên có thể bắt đầu từ những bước đi nhỏ, vững chắc để đạt được những thành công lớn. IFC mong muốn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình này, ông mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhất trí với ý kiến của Tổng Giám đốc IFC, Thủ tướng khẳng định những quan điểm này hoàn toàn phù hợp quan điểm phát triển của Việt Nam. Tiềm lực kinh tế tư nhân còn rất lớn và đang phát triển mạnh mẽ, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Do đó, nếu có sự hợp tác của WB và IFC thì Thủ tướng tin tưởng khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu năng lượng, nhất là điện năng vì kinh tế đang phát triển nhanh. Việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió là hướng đi đúng và cần thiết. Do đó, Thủ tướng mong muốn IFC đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam đang thành công bước đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về truyền tải điện, do đó, Thủ tướng mong IFC hỗ trợ Việt Nam đầu tư sớm đường dây truyền tải điện ở những khu vực trọng điểm để giải toả công suất các nhà máy điện.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới môi trường trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, do đó Chính phủ đang nỗ lực giải quyết tốt vấn đề này, nhất là bảo đảm nước sạch cho người dân. Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay cũng đang cần rất nhiều vốn. Do đó, sự có mặt của IFC là hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển môi trường, năng lượng, nước sạch, tài chính… và kể cả lĩnh vực giảm nghèo.
Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc IFC cho biết, IFC đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn tài chính, chứng khoán cho Việt Nam. Quan điểm của IFC là để có khu vực tư nhân mạnh thì khu vực nhà nước cũng phải mạnh. IFC cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Việt Nam để khai thông các tiềm năng phát triển. Các chuyên gia WB và IFC ở Việt Nam đều có trình độ giỏi, do đó ông hy vọng hoạt động đầu tư của IFC tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn