Năm 2018 vừa qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và vai trò điều phối liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta tiếp tục được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước.
Thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực hoàn tất cơ bản các cam kết kinh tế quốc tế có thời hạn thực thi trong giai đoạn 2015-2020, cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hướng tới tầm nhìn 2025; thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đàm phán, ký kết và thực thi các FTA với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Năm 2019, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cần tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần nâng cao chất lượng hội nhập, nâng tầm toàn diện, sâu rộng, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế yêu cầu để tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là xu hướng thay đổi cấu trúc dòng thương mại và đầu tư để tranh thủ nắm bắt cơ hội, Bộ Công Thương phải tăng cường năng lực hoạt động của Tổ công tác về theo dõi tình hình kinh tế thương mại thế giới, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển dịch thương mại, tác động đối với Việt Nam và phương án xử lý thâm hụt thương mại trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan đánh giá hoạt động tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tài chính.
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổng hợp và báo cáo đánh giá thực trạng đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài, các kiến nghị, đề xuất.
Để tăng cường phối hợp công tác liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực thi và tận dụng hiệu quả các cam kết trong CPTPP đặc biệt các nhiệm vụ cần triển khai ngay trong năm 2019 - 2020 và kịp thời báo cáo Chính phủ về các vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác rà soát pháp luật liên quan đến thực thi CPTPP.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan phối hợp, chuẩn bị tốt để Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 với các chủ đề, sáng kiến ưu tiên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, logistic... nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của Việt Nam.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; rà soát, đánh giá các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để rút kinh nghiệm cho giai đoạn mới; đẩy mạnh việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Việt Nam ở các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng “Bộ cẩm nang tích hợp các FTA theo chiều dọc về từng ngành, lĩnh vực cụ thể”; hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu theo ngành và theo lĩnh vực về hội nhập kinh tế quốc tế và nghiên cứu xây dựng phần mềm hệ thống thông tin trực tuyến phổ biến các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp, địa phương và Hiệp hội, nhằm giảm chi phí, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả; đề xuất phương án tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 có tính đến mở rộng đối tượng, quy mô tổ chức, nội dung trọng tâm vào các vấn đề cốt lõi như thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, năng lực xử lý tranh chấp thương mại của Việt Nam…
Theo Chinhphu.vn