Các đại biểu tập trung thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như phát triển bao trùm trong cách mạng công nghiệp 4.0, kinh nghiệm và thực tiễn thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tăng cường vai trò và sự tham gia của các bên liên quan và đẩy mạnh hợp tác giữa hai châu lục về phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội.
Hội nghị nhấn mạnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là những khuôn khổ toàn cầu góp phần xử lý những vấn đề cốt lõi của phát triển, tạo động lực mới cho tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp, nâng cao khả năng tự cường của người dân, cộng đồng và quốc gia.
Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trong triển khai các dự án, chương trình hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.
Hội nghị cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường vai trò và sự tham gia của thành phần trong xã hội, trong đó chú trọng việc hiện thực hoá phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội trong thế giới số, thúc đẩy giáo dục chất lượng cao, bình đẳng giới, vai trò của khu vực tư nhân, phát triển vì người nghèo… Các đại biểu nhất trí vấn đề phát triển bao trùm cần được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xây dựng các cộng đồng tự cường…, tạo động lực mới cho phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo cho mọi người dân.
Tại phiên tổng kết, Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp tăng cường phối hợp hành động trong ASEM. Nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; gắn kết các sáng kiến, dự án và các nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về tăng cường quyền năng phụ nữ, giảm nghèo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực…
Các thành viên ASEM cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ các thành viên đang phát triển về tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ xanh, sạch…
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã nhất trí thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 tại Tây Ban Nha tháng 12/2019 và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 tại Campuchia vào năm 2020.
Hội nghị ASEM về “Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội tại châu Á và châu Âu” đã góp phần nâng cao tính thiết thực của hợp tác ASEM, khẳng định đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu vì phát triển bao trùm và bền vững.
Sáng kiến này cũng tiếp tục góp phần triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn./.
Theo Bộ Ngoại giao