Ngày 30/5 tại Hà Nội, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đã tổ chức diễn đàn kinh doanh “Indonesia – Việt Nam: Hợp tác trên lĩnh vực xây dựng và bất động sản” nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và tìm hiểu các khả năng hợp tác của DN hai bên trong các lĩnh vực trên.
Theo đánh giá được đưa ra tại diễn đàn, ngành xây dựng ở Indonesia và Việt Nam nằm trong số những khu vực có các cơ hội thuận lợi nhất tại ASEAN khi mức đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài tăng mạnh.
Theo đó, Indonesia dự kiến sẽ có bước phát triển mạnh trong ngành xây dựng trong những năm tới. Dự báo khu vực này sẽ có được tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm trong giai đoạn 2017-2026. Trong đó, phân khúc khu vực không phải nhà ở sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất nhờ được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường trung lưu ngày càng tăng.
Chính phủ Indonesia gần đây đã đưa ra Kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng trị giá 420 tỷ USD trong khuôn khổ hợp tác công – tư cho 3.650 km đường bộ, 15 sân bay, 24 cảng biển mới; 3.258 km đường sắt, 49 đập, nhà máy điện công suất 35.000 MW, hệ thống nước và trên 5.000 khu dân cư, khu thương mại và phát triển các ngành ở cả đô thị và nông thôn.
Trong khi đó tại Việt Nam, ngành xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 9,7% trong năm nay và tăng trưởng bình quân ở mức 8,2%/năm giai đoạn 2017-2021. Với dòng FDI vào tiếp tục mạnh mẽ và hoạt động M&A diễn ra khá sôi động vào cuối năm 2017, điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở và nhà máy, qua đó giúp ngành xây dựng tăng mạnh trong năm nay cũng như những năm tiếp theo.
Nhìn lại các thành công của hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản giữa Indonesia và Việt Nam trong 25 năm qua, nổi bật nhất là hợp tác giữa Ciputra Group (Indonesia) và Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Việt Nam trong thành lập Ciputra International City tại Hà Nội. Bên cạnh đó, vào năm 2012, Semen Glesik - Tập đoàn xi măng lớn nhất của Indonesia đã bỏ ra 230 triệu USD, tương đương 4.800 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần của Công ty Xi măng Thăng Long.
Theo Thời báo ngân hàng