Hai văn kiện quan trọng này được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25 diễn ra trong 2 ngày 22-23/4 tại Phuket, hòn đảo lớn nhất của Thái Lan trên biển Andaman.
Theo đại diện nước chủ nhà Thái Lan, Thứ trưởng Thương mại Chutima Bunyaprasara, Hiệp định ATISA sẽ thay thế cho Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) có hiệu lực từ năm 1995. Hiệp định ATISA, có hiệu lực sau khi ký kết 180 ngày, sẽ giúp nâng cao các tiêu chuẩn và hiệu lực của các quy định về dịch vụ tại các nước thành viên ASEAN, giảm bớt các rào cản thương mại, đồng thời nâng cao sự minh bạch trong thực hiện thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Về Nghị định thư thứ 4 sửa đổi ACIA, bà Chutima Bunyaprasara cho biết, văn kiện này được mong đợi sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu vực ASEAN.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, tại Hội nghị AEM Retreat lần thứ 25, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN đã thảo luận, rà soát và đưa ra chỉ đạo đối với các nội dung hợp tác kinh tế ASEAN trong năm 2019 và định hướng cho giai đoạn sắp tới.
Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, nước chủ nhà Thái Lan đã đưa ra chủ đề chung cho hợp tác kinh tế ASEAN năm 2019 là “Thúc đẩy hợp tác vì sự bền vững” (Advancing Partnership for Sustainability) với 13 ưu tiên thuộc 3 trụ cột chính trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm: Định hướng tương lai, Tăng cường tính kết nối và Phát triển bền vững một cách toàn diện.
Hội nghị cũng nghe báo cáo về kết quả thảo luận ở cấp Quan chức Kinh tế (SEOM) về những vấn đề hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN như giám sát việc thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với sản phẩm xe cơ giới, Nghị định thư tăng cường Cơ chế Giải quyết tranh chấp ASEAN, đồng thời thảo luận những vấn đề mang tính nguyên tắc như việc bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận phương hướng hợp tác với các đối tác ngoại khối như sự tham gia của ASEAN trong tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và việc thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay.
Nếu các cuộc thương lượng thành công, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng New Zealand. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thành viên RCEP chiếm tới 28% GDP toàn cầu và chiếm 30% giá trị thương mại thế giới.
Theo Trưởng đoàn Việt Nam- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam đưa ra nhiều ý kiến tích cực, được các nước hoan nghênh. Một số đề nghị đã được các nước tiếp thu và ghi vào biên bản cuộc họp.
Về khả năng kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tại Hội nghị, các Bộ trưởng tương đối quan ngại về tiến độ đàm phán, trong đó một số hạng mục chưa đạt mong đợi. Sau khi rà soát toàn diện quá trình đàm phán RCEP, các Bộ trưởng đánh giá giữa các bên vẫn tồn tại một số vấn đề khó đạt được tiếng nói chung.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để kết thúc đàm phán như mục tiêu đưa ra, hơn lúc nào hết, ASEAN cần đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt cuộc đàm phán. Các Bộ trưởng cũng đã thống nhất với nhau rằng nếu muốn kết thúc đàm phán vào cuối năm nay thì ASEAN cần phải có những biện pháp mạnh bạo, đạt được thống nhất trong nội khối, từ đó đưa ra tiếng nói chung của ASEAN đến các đối tác.
Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam cũng đã có buổi tiếp xúc song phương với đoàn Indonesia để thảo luận về một số vấn đề nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai bên./.
Theo Chinhphu.vn