Việt Nam tích cực và trách nhiệm cao, vun đắp liên kết kinh tế khu vực

Thứ hai, 19/11/2018 15:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tối 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 được tổ chức tại Papua New Guinea.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong hai ngày, 17-18/11, Thủ tướng đã có chương trình làm việc với cường độ cao, bao gồm: Dự, trao đổi, chia sẻ ý kiến tại các phiên họp kín, phiên ăn trưa làm việc của các nhà lãnh đạo APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng New Zealand, Vanuatu, Thái Lan, lãnh đạo một số Quốc đảo Thái Bình Dương, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc); tiếp Liên minh các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC, bao gồm một số tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam…

Tại các phiên họp, Thủ tướng đã phát biểu mạnh mẽ về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ WTO, liên kết kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi nền kinh tế số.

Kể từ Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, tình hình quốc tế chuyển biến nhanh và phức tạp hơn dự báo; nền kinh tế toàn cầu đang xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, những thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại, kinh tế toàn cầu. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác, liên kết chặt chẽ của các thành viên.

Nhìn lại gần ba thập kỷ qua, APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, đã thành công trong vai trò kiến tạo các “vườn ươm” cho các cấu trúc liên kết kinh tế khu vực. Hơn lúc nào hết, APEC cần đóng vai trò khởi xướng và tiếp tục là “vườn ươm” cho những ý tưởng về đổi mới sáng tạo. APEC cần là nền tảng đưa châu Á-Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, APEC cần tiếp tục tạo các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối và phát triển bao trùm, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, cùng được thụ hưởng thành quả của toàn cầu hóa và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên số. Chỉ có như vậy, APEC mới khẳng định được vị thế là diễn đàn kinh tế khu vực hàng đầu. Hội nghị Cấp cao APEC 2018 cần thể hiện vai trò đi đầu của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, công bằng và dựa trên luật lệ. Trong bối cảnh mới cần tiếp tục củng cố, cải cách và đề cao vai trò WTO.

Là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, APEC cần tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định CPTPP, RCEP, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), trên cơ sở bảo đảm tính toàn diện, cân bằng lợi ích và bổ trợ giữa các cơ chế liên kết.

Thủ tướng đề nghị và các nền kinh tế APEC đánh giá cao về việc cùng hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, bao gồm: (i) Tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế APEC. Theo đó, cần tích hợp "Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu" vào chương trình nghị sự ở các nền kinh tế thành viên. (ii) Thúc đẩy việc triển khai hiệu quả sáng kiến về "Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới APEC", "Lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số APEC" và "Chương trình hành động về kinh tế số". (iii) Đầu tư hạ tầng số và thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong đó việc xây dựng và khai thác hiệu quả "cơ sở dữ liệu lớn" của quốc gia cần phải được tăng cường đầu tư theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và bảo đảm an toàn. Đồng thời chú trọng hạ tầng thương mại số, phát triển công nghệ tài chính (fin-tech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp... (iv) Nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị ở khu vực tư lẫn khu vực công để tiếp thu hiệu quả tri thức và hấp thu công nghệ tiên tiến. (v) Hỗ trợ, hợp tác để cùng nhau phát triển trong nền kinh tế số. Các nền kinh tế phát triển với lợi thế đi trước và cũng để gia tăng lợi thế của mình cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong các chính sách chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại cách mạng số.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về tận dụng các cơ hội phát huy tương lai số và các hành động về kinh tế số, đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, tiếp cận cơ sở hạ tầng số nhằm thu hẹp khoảng cách số; nhấn mạnh sự tham gia, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và mọi thành phần xã hội.

Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, cải cách cơ cấu gắn với kinh tế số, nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức trong xã hội về phát triển kinh tế số. Các nhà lãnh đạo cam kết duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, hoan nghênh việc đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, như CPTPP, RCEP và hướng tới hiệp định thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Các thành viên cam kết thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách; triển khai Chương trình hành động APEC 2017 về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đến năm 2030 gắn với thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Trong khuôn khổ Hội nghị, cùng các nhà lãnh đạo cấp cao dự đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC (ABAC), Thủ tướng đã thông báo việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Hiệp định CPTPP ngày 12/11/2018, điều này khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao. Liên kết kinh tế của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới với quy mô lớn, chất lượng cao, Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số và hợp tác cùng có lợi. 

Nhiều thành viên ABAC đã chúc mừng Việt Nam phê chuẩn CPTPP, khẳng định đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp nước ngoài có thêm niềm tin và hứng khởi tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 Có thể nói, việc tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúng vào dịp kỷ niệm tròn 20 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998-2018) đã tiếp tục nâng tầm vị thế, vai trò của Việt Nam tại Diễn đàn khu vực quan trọng này, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, tiếp tục đóng góp cùng vun đắp tương lai chung về tầm nhìn của một Cộng đồng Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)