6 nước bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương

Thứ sáu, 15/12/2017 14:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ ba, từ ngày 14-16/12 tại Vân Nam, Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc sẽ rà soát tình hình hợp tác, đồng thời thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy và tăng cường cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương.

Hội nghị cũng là bước chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Campuchia vào tháng 1/2018.

Dự kiến, Hội nghị sẽ ra Thông cáo chung, thông qua danh sách các dự án cho năm 2017.

Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương được hình thành từ tháng 11/2015 và hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo được tổ chức vào tháng 3/2016 tại Hải Nam, Trung Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị này.

Sự ra đời của hợp tác Mekong-Lan Thương khẳng định cam kết của 6 nước ven sông Mekong cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong và khu vực; đóng góp tích cực cho hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Với mong muốn thúc đẩy cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong, Việt Nam đã chủ động, tham gia và có những đóng góp tích cực về cơ chế, lĩnh vực hợp tác trọng tâm… ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành cơ chế.

Việt Nam cũng đã đề xuất một số dự án thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.

Hợp tác Mekong-Lan Thương hiện đang tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nguồn tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)