Tại Phiên họp đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới đạt được Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand. Trong bối cảnh Đông Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và năng động nhất trên thế giới, các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng một Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, cùng có lợi, tiêu chuẩn cao, hiện đại, cam kết cả gói nếu đạt được sẽ giúp thiết lập môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế công bằng cũng như hội nhập kinh tế của khu vực.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 5 diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hồi tháng 9 vừa qua tại Manila, trong đó có việc thông qua Tài liệu về Các nội dung chính cần đạt được để kết thúc cơ bản đàm phán, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ chỉ đạo các Bộ trưởng và các nhóm đàm phán đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đàm phán trong năm 2018, với trọng tâm là các lĩnh vực tiếp cận thị trường, quy tắc và hợp tác, tăng cường tham vấn trong nước; đồng thời tìm cách tháo gỡ rào cản về chênh lệch trình độ phát triển, sự khác biệt về quy mô nền kinh tế, mức độ cam kết và thực thi của các nước thành viên.
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15, hai bên bày tỏ hài lòng trước những kết quả hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong năm qua, nhất là triển khai Kế hoạch hành động 2016-2020 và những lĩnh vực ưu tiên giai đoạn 2016-2018. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại, kết nối (đường bộ, hàng không, hàng hải, kết nối số), giao lưu nhân dân, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hoá, cứu trợ thiên tai và thu hẹp khoảng cách phát triển. ASEAN và Ấn Độ đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội thảo ASEAN-Ấn Độ về kinh tế biển xanh tại Nha Trang từ ngày 24-25/11/2017. Đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Ấn Độ tổ chức ở các nước ASEAN và Ấn Độ trong năm 2017 và kéo dài đến tháng 1/2018.
Các nước ASEAN vui mừng nhận lời tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh” và dự lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hoà Ấn Độ vào 25-26/1/2018 tại New Delhi để đánh giá chặng đường hợp tác 25 năm qua và đề ra tầm nhìn chiến lược trong những năm tới.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại Hội nghị, trên cương vị của Việt Nam là nước điều phối quan hệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt các lãnh đạo ASEAN có bài phát biểu chung về kiểm điểm hợp tác và định hướng tương lai quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ, trong đó đáng chú ý là khai thác hiệu quả và đầy đủ các tiềm năng do Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ mang lại, tận dụng hiệu quả các chương trình/dự án về thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối, tăng cường giao lưu nhân dân cũng như mở rộng sang các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và đáp ứng nhu cầu chung của khu vực. Thủ tướng khẳng định tin tưởng và trông đợi vào sự ủng hộ và hỗ trợ của Ấn Độ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đang định hình ở khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và Ấn Độ phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.
Lễ ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sau các Hội nghị, lãnh đạo ASEAN đã cùng ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Sau 10 năm khởi thảo và đàm phán, ASEAN đã đi đến thống nhất, cùng cam kết bảo đảm cho người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo. Đồng thuận sẽ thúc đẩy và là kim chỉ nam cho các hoạt động của Ủy ban ASEAN về Lao động di cư (ACMW), hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng trong ASEAN liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động. Việc ký kết văn kiện này đã phản ánh nỗ lực của ASEAN xây dựng một Cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Singapore: Chủ tịch ASEAN 2018
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra thành công tốt đẹp với những thảo luận thực chất, những cam kết cụ thể và không khí hữu nghị, đối tác bao trùm, khép lại một năm hợp tác sôi động và hiệu quả của ASEAN 2017 cũng như nhiệm kỳ Chủ tịch thành công của Philippines. Kết thúc các Hội nghị là Lễ bế mạc và chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN 2018 cho Singapore.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore thông báo trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm tới dự kiến là “Nắm lấy tương lai, hướng tới một Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo” (Embracing the future, towards a resilient and innovative ASEAN Community) với ưu tiên xây dựng một ASEAN tự cường, giữ vững vai trò trung tâm, thúc đẩy sáng tạo và công nghệ; đồng thời khẳng định quyết tâm đảm đương tốt nhiệm vụ điều hành của nước Chủ tịch, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các đối tác để đem lại những kết quả hợp tác thiết thực, đóng góp hiệu quả cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Sau Lễ bế mạc và Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Singapore trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Manila về nước, kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 và các hội nghị cấp cao liên quan./.
Theo chinhphu.vn