Báo cáo nêu bật kết quả đạt được trong việc thực hiện 17 SDGs của Việt Nam; phân tích những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện các mục tiêu này ở Việt Nam; và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện SDGs thời gian tới. Báo cáo được xây dựng với sự tham gia, đóng góp tích cực của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan LHQ, các đối tác phát triển của Việt Nam.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ về phát triển bền vững, với 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Thành tựu nổi bật của Việt Nam là tăng trưởng GDP các năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%; tỷ lệ nghèo giảm từ 9,9% năm 2015 xuống dưới 7% năm 2017... Việt Nam đã có những bước tiến trong thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực; ban hành Kế hoạch hành động trong thực hiện SDGs; tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu sắc, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ đối tác toàn cầu, đối tác công - tư, bảo đảm nguồn lực cho phát triển bền vững...
Thứ trưởng nêu rõ, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, văn minh và bền vững, tiếp tục phát huy vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
* Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ M.Lajcak kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực hơn để hoàn thành SDGs. Theo Chủ tịch Lajcak, trên thế giới tình trạng nghèo đói, lạm dụng lao động trẻ em đã được hạn chế và dịch vụ chăm sóc y tế và điện lưới cũng được cải thiện, song còn rất nhiều thách thức khác chưa được giải quyết. Tuy nhiên, những thành tựu mới chỉ mang tính cải thiện mà chưa toàn diện, nhiều khu vực trên thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn đói và tình trạng thiếu điều kiện chăm sóc y tế cơ bản. Tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, trong khi thế giới vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nhằm đảo ngược tình thế. Chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và cực đoan ngày càng bành trướng. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần có hành động thực tiễn với những mục tiêu cụ thể cùng với cơ chế giám sát rõ ràng.
* Bên lề Diễn đàn, đại diện các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) nhóm họp nhằm thảo luận và rút ra kinh nghiệm từ các báo cáo của các nước AU, trong đó có vấn đề về đổi mới, sự tham gia của các bên liên quan, cơ chế điều phối, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam... Các nước AU cũng thảo luận các biện pháp khả thi, hợp tác nhằm xử lý các thách thức lớn trong việc thực thi Chương trình nghị sự của LHQ về phát triển bền vững.
Theo Nhân dân điện tử