1. Đối với kiến nghị:
Về quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, Ngày 15/11/2023, Sở Xây dựng Tiền Giang có Công văn số 3411/SXD-QHHT xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng về công tác lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; Ngày 05/4/2024, Bộ Xây dựng có Công văn số 1504/BXD-QHKT về việc hướng dẫn công tác lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn:
“1. Khoản 1 Điều 8 và khoản 5 Điều 9 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc đã quy định cụ thể việc phân cấp, ủy quyền lập và phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.
Khoản 4 Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành”. Việc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (cấp tỉnh) thông qua quy chế trước khi ban hành thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Luật Kiến trúc năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành không quy định việc phân cấp, ủy quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua quy chế quản lý kiến trúc.
2. Căn cứ Điều 13 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được lập riêng theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được tích hợp nội dung vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và quy định pháp luật có liên quan.”. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tại Công văn số 2767/UBND-KT ngày 10/5/2024 về việc dự thảo Công văn gửi Bộ Xây dựng hướng dẫn về công tác lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; nội dung giao “Sở Xây dựng nghiên cứu, có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện”. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trong quá trình tổ chức thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn (tổ chức lập riêng, không tích hợp vào quy hoạch chung xây dựng xã), Sở Xây dựng Tiền Giang gặp khó khăn, vướng mắc một số nội dung xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng như sau:
Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc”. Căn cứ quy định trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND ngày 12/9/2023 phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.
Trên cơ sở các quy định trên thì quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện:
- Tổ chức lập quy chế: Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Thẩm định quy chế: Hội đồng thẩm định tỉnh Tiền Giang.
- Thông qua Hội đồng nhân dân: Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang.
- Phê duyệt quy chế: Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo quy trình nêu trên, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang thông qua Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trước khi Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và ban hành quy chế có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay không? Trường hợp không phù hợp với quy định, kiến nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến hướng dẫn làm cơ sở triển khai thực hiện.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành”; Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 9 Nghị định 85/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiến trúc đã quy định: “5. Đối với quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, ban hành”.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có thể uỷ quyền, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập quy chế quản lý kiến trúc theo quy định trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Đối với Kiến nghị:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Xây dựng 2014 thì quy hoạch xây dựng nông thôn được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau:
- Có điều chỉnh về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Có điều chỉnh về quy hoạch xây dựng vùng;
- Có điều chỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương;
- Có biến động về điều kiện địa lý, tự nhiên.
Căn cứ Điều 37. Các loại điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chỉ có 02 loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh cục bộ và điều chỉnh tổng thể. Pháp luật hiện hành không quy định đối với điều chỉnh cục bộ QHC xây dựng xã. Như vậy, đối với trường hợp cần điều chỉnh cập nhật một số điểm dân cư nông thôn vào QHC xây dựng xã làm cơ sở để lập QHCT điểm dân cư nông thôn, lập quy chế quản lý điểm dân cư nông thôn thì sẽ thực hiện như thế nào?
Kiến nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến hướng dẫn làm cơ sở triển khai thực hiện.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2025. Trong đó đã quy định các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm:
a) Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới;
b) Quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã;
c) Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng;
d) Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương;
đ) Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời cũng đưa ra quy định về các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh nhằm bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị, huyện, xã, khu chức năng trong tương lai.
3. Đối với kiến nghị:
“Kiến nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến hướng dẫn về nguồn kinh phí sử dụng cho công tác lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn... Tương tự đối với các công tác lập, điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc đô thị, danh mục công trình kiến trúc có giá trị, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, chương trình phát triển đô thị của từng đô thị, đề án phân loại đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị”.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:
- Theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 thì việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được quy định tại Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12; Điều 19 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các Nghị định hướng dẫn. Theo đó, đối với quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương theo thẩm quyền có trách nhiệm lập và cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện. Tại Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) quy định kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ban hành định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
- Kinh phí lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.Kinh phí phân loại đô thị do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu Thông tư thay thế Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 323/BXD-QHKT.