Ngày 07/01/2025, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là thành viên Hội đồng. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn kết luận hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn (liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Công ty TNHH Một thành viên Không gian xanh) nêu lý do, sự cần thiết lập Đồ án, đồng thời cho biết, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 2.123,29km2, bao gồm toàn bộ diện tích hành chính hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh (2.095,5 km2) và vùng biển Cần Giờ có liên quan (bao gồm các khu chức năng lấn biển), ranh giới như sau: phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Nam giáp biển Đông. Thời hạn quy hoạch: giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hoàn thiện, bổ sung hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận với cả nước và quốc tế, kết nối giữa các khu vực khác nhau của Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển đô thị theo hướng thúc đẩy sáng tạo, tương tác cao, kinh tế tri thức, công nghệ cao, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; phát triển không gian đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng bảo vệ môi trường; nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất đô thị, phát huy giá trị của hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố; đan xen hợp lý các chức năng khác nhau trong mỗi khu vực đô thị, để tối đa hoá khả năng cung cấp việc làm trong mỗi khu vực, hạn chế nhu cầu giao thông.
Đồng thời chú trọng tái phát triển các khu đô thị hiện hữu, mở rộng không gian phát triển đô thị để đón nhận những cơ hội mới, bổ sung động lực phát triển để phát huy vai trò trung tâm vùng và cực tăng trưởng của cả nước; đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, tương tác và kết nối chặt chẽ giữa các khu chức năng hiện hữu và các khu vực đô thị phát triển mới; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc không gian kiến trúc, cảnh quan, sinh thái đa dạng của thành phố, đặc biệt là các giá trị đặc trưng của đô thị vùng sông nước, cửa biển; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng đô thị, với nhiều dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển hạ tầng xanh, đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Tầm nhìn đến năm 2060 phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh quy hoạch với tính chất là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; một trong những trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, du lịch hỗn hợp, tài chính, thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN; trung tâm đổi mới sáng tạo, kinh tế trí thức, phát triển khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ của khu vực miền Đông Nam Bộ; đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế; trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam; một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước.
Đồ án dự báo quy mô dân số thường trú trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2040 khoảng 13 triệu người; đến năm 2060 khoảng 16 triệu người. Quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 107.832ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 79 m2/người, trong đó, đất dân dụng khoảng 64.366ha, chỉ tiêu khoảng 47 m2/người; đến năm 2040, đất xây dựng toàn thành phố khoảng 126.511ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 77 m2/người, trong đó, đất dân dụng khoảng 81.664ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 49 m2/người.
Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) và 6 phân vùng đô thị gồm: Thành phố Thủ Đức ở phía Đông; Thành phố Bình Chánh ở phía Tây; Thành phố Hóc Môn ở phía Bắc; Thành phố Củ Chi ở phía Tây Bắc; Thành phố Nhà Bè ở phía Nam và thành phố Cần Giờ ở phía Đông Nam; hội tụ và lan tỏa động lực phát triển bởi sông Sài Gòn, 10 trục xuyên tâm, 3 vành đai và hành lang kinh tế biển; kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế; mỗi phân vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống có chất lượng cao, tại chỗ và thực hiện vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế; đô thị phát triển tập trung gắn với giao thông công cộng; từ các trung tâm sản xuất, kinh doanh có thể kết nối đến cảng biển, sân bay và rừng ngập mặn, trong vòng 15-20 phút.
Cùng với định hướng về phát triển không gian, Đồ án cũng đưa ra các định hướng về phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế; thiết kế đô thị; phát triển không gian ngầm, công trình xây dựng ngầm; định hướng bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá liên danh tư vấn đã tiếp thu và giải trình đầy đủ những ý kiến góp ý bằng văn bản của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, hội, hiệp hội chuyên ngành; quan tâm cập nhật, lồng ghép những chủ trương, định hướng, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội vào các nội dung, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồ án được lập một cách bài bản, công phu, có tính khoa học và thực tiễn cao, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo Hội đồng, liên danh tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ hơn nữa tính liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong vùng, ưu tiên các tuyến giao thông kết nối với hệ thống cảng trên địa bàn Thành phố và đảm bảo tính đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch trong lĩnh vực giao thông; xác định rõ hơn các khu vực cần tôn nền, chú ý cao độ nền; lưu ý kế thừa các tuyến cấp, thoát nước chính đã có, bổ sung một số tuyến mới; quan tâm công tác sắp xếp đơn vị hành chính; đảm bảo an ninh quốc phòng; chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành Phố Hồ Chí Minh đối với liên danh tư vấn trong quá trình xây dựng Đồ án, qua đó đảm bảo nội dung Đồ án bám sát nội dung, yêu cầu của Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số nội dung và đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ. Trong đó chú ý rà soát cập nhật đầy đủ các văn bản pháp lý có liên quan; tập trung đánh giá kỹ hiện trạng thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, đánh giá hiện trạng sử dụng đất và thực tiễn phát triển của Thành phố, qua đó làm rõ hơn những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các quy hoạch cũ để làm cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung trong quy hoạch mới; sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án để UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.