Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi 6757/BXD-QHKT gửi UBND tỉnh Yên Bái cho ý kiến đối với hồ sơ đồ án quy hoạch chung đô thị mới An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Về cơ sở, căn cứ pháp lý: Đô thị An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến năm 2030 được xác định là đô thị loại V tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc lập quy hoạch chung đô thị An Bình, huyện Văn Yên là có cơ sở.
Về tuân thủ quy định pháp luật: Đề nghị lồng ghép nội dung phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và pháp luật về phòng chống thiên tai.
Việc xác định các chức năng sử dụng đất trong đồ án quy hoạch phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan; Đề nghị bổ sung, làm rõ sự phù hợp chỉ tiêu sử dụng đất đô thị An Bình với chỉ tiêu của tỉnh Yên Bái được phân bổ trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.
Theo thuyết minh việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất (khoảng 88 ha) sang mục đích khác phải tuân thủ Luật Lâm nghiệp, pháp luật có liên quan và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Về sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng: Rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất trong Đồ án quy hoạch đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD (đất dân dụng bình quân toàn đô thị, đất đơn vị ở toàn đô thị, cây xanh đô thị…); xác định tỷ lệ cho các chức năng đất hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (theo quy định tại mục 2.2 QCVN 01:2021/BXD).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng lưu ý một số nội dung Đồ án quy hoạch cần bổ sung, làm rõ như: Rà soát, bổ sung đầy đủ căn cứ lập Đồ án quy hoạch, đảm bảo phù hợp với thời gian, thời kỳ quy hoạch (hệ thống pháp luật liên quan, Nghị Quyết của Đảng, các Nghị định, Thông tư, Quyết định…).
- Rà soát, bổ sung nội dung phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên; hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Đánh giá công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật (lưu ý phân tích số liệu về dân số, lực lượng lao động trong khu vực lập quy hoạch); xác định các vấn đề cơ bản cần giải quyết trong nội dung Đồ án quy hoạch.
- Rà soát, làm rõ quy mô dân số của Đồ án quy hoạch đảm bảo phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực lập quy hoạch; cần phải bổ sung luận cứ, cơ sở dự báo tăng dân số dựa trên động lực phát triển đô thị và số liệu thực tiễn thời kỳ trước.
- Bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị cần bổ sung nội dung xác định khu chỉnh trang, cải tạo; khu phát triển mới, trong đó xác định phạm vi, quy mô của các đơn vị ở; khu chức năng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (nếu có).
- Làm rõ quy mô quy hoạch đất khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2045 tăng khoảng 20 ha so với hiện trạng đảm bảo tuân thủ pháp luật về khoáng sản và các quy hoạch chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đề nghị xác định, khoanh vùng rõ các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, mưa đá, lốc xoáy, ngập úng,…), các lưu vực thoát nước chính ảnh hưởng tới trung tâm xã An Bình hiện hữu và khu vực dự kiến xây dựng nhóm nhà ở mới. Bổ sung giải pháp phòng chống thiên tai trong nội dung hồ sơ, để đảm bảo tần suất lũ, đảm bảo tưới tiêu và phòng chống lũ theo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Bổ sung nội dung “bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai” đối với việc xây dựng các công trình trong quy hoạch (khu dân cư, khu công cộng, dịch vụ,…) theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.
- Đối với việc xác định cao độ nền xây dựng phải trên cơ sở tần suất mưa tính toán, hệ số tiêu thoát và cao độ lũ lụt lịch sử (đặc biệt khu vực ven sông Hồng) trong lưu vực để đảm bảo không gây ngập úng trong đô thị. Xác định rõ phạm vi bảo vệ các hành lang thoát nước theo các hệ thống suối, đảm bảo không bị tác động tiêu cực của thiên tai (lũ quét, sạt lở đất) tới các công trình và khu dân cư.
- Đề nghị rà soát quy cách thể hiện bản vẽ và nội dung thuyết minh các đồ án nêu trên (lưu ý về màu sắc, quy cách thể hiện các loại đất dân dụng, đất ngoài dân dụng, đất khác, các loại đất rừng) phải tuân thủ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
Cơ quan tổ chức lập Đồ án quy hoạch chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý và tính xác thực của số liệu, tài liệu sử dụng, không hợp thức hóa các sai phạm (nếu có) trong quá trình lập đồ án quy hoạch; đảm bảo sự thống nhất của số liệu sử dụng đất quy hoạch tại thuyết minh tổng hợp và bản vẽ quy hoạch sử dụng đất; sự tuân thủ quy định của pháp luật về quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; đảm bảo công khai, đúng trình tự việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6757/BXD-QHKT.