Theo đó, về sự phù hợp với quy định pháp luật: Căn cứ Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023, xác định đô thị thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà đến năm 2030 là đô thị loại V mở rộng (gồm thị trấn Thanh Hà sáp nhập với xã Thanh Khê); mặt khác, theo định hướng phát triển đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 03/11/2023) xác định đô thị thị trấn Thanh Hà đến năm 2030 là đô thị loại V (bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Khê); do đó, việc UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Hà là có cơ sở.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Hải Dương cần bổ sung, làm rõ cơ sở mở rộng đô thị Thanh Hà đến năm 2030 là đô thị loại V (các yếu tố tạo thị, động lực phát triển đô thị, nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị....), cũng như các điều kiện mở rộng đô thị đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và phù hợp với Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2030 của tỉnh Hải Dương.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan có liên quan bổ sung báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, địa phương có liên quan và ý kiến của cộng đồng dân cư. Chịu trách nhiệm rà soát các quy hoạch, dự án (không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không hợp thức, cập nhật các quy hoạch, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý), đảm bảo tính chính xác của các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất quốc phòng - an ninh và đất dân cư hiện trạng; tuân thủ các quy định pháp luật về: bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, xây dựng..., cũng như đáp ứng được các yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu.
Thuyết minh, bản vẽ đồ án quy hoạch cần rà soát, thực hiện theo Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
Để có cơ sở phê duyệt QHC đô thị Thanh Hà, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ một số nội dung sau:
- Về tên đồ án và thời hạn quy hoạch: Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023, xác định đô thị thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà đến năm 2030 là đô thị loại V mở rộng (gồm thị trấn Thanh Hà sáp nhập với xã Thanh Khê) vì vậy tên Đồ án cần điều chỉnh là Quy hoạch chung đô thị mới Thanh Hà, huyện Thanh Hà đảm bảo tuân thủ các quy định tại Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; đồng thời cần điều chỉnh thời hạn lập quy hoạch từ 10 đến 15 năm lên 20 đến 25 năm để đảm bảo (tính chất là đô thị mới) tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
- Phần đánh giá hiện trạng: Làm rõ số liệu, ký hiệu hiện trạng sử dụng đất (khu vực đô thị và khu vực nông thôn); bổ sung các số liệu dân số, phân tích, đánh giá số liệu dịch cư, lao động (05 năm gần nhất của thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Khê) làm cơ sở dự báo quy mô dân số; bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng thế mạnh phát triển đô thị của huyện Thanh Hà, đặc biệt là xã Thanh Khê dự kiến mở rộng vào đô thị Thanh Hà. Bổ sung đánh giá hiện trạng hệ thống thoát nước, mạng lưới vận tải công cộng, quy mô nguồn cấp nước.
- Phần đánh giá tình hình triển khai theo các quy hoạch được duyệt: Đề nghị bổ sung các quy hoạch, dự án đã thực hiện theo Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Thanh Hà (năm 2020) và các quy hoạch chung xây dựng xã Thanh Khê; trên cơ sở đó cần chỉ rõ những vấn đề bất cập, tồn tại; làm rõ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung. Khi thực hiện QHC đô thị Thanh Hà đề nghị không hợp thức các quy hoạch, dự án sai phạm; khi quy hoạch mở rộng đô thị phải đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế tác động đến đất nông nghiệp (vùng an ninh lương thực), đất dân cư hiện trạng.
- Tiền đề phát triển đô thị Thanh Hà: Cần nhấn mạnh động lực, cơ sở mở rộng đô thị, làm rõ tính đặc thù nổi trội của đô thị (so với các đô thị khác trong tỉnh); rà soát lại tính chất đô thị đảm bảo đầy đủ ngắn gọn (về hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện …) tuân thủ theo các định hướng của quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó bổ sung đề xuất cấu trúc, mô hình phát triển đô thị bám sát các định hướng của quy hoạch cấp trên; làm rõ các mối quan hệ, kết nối hỗ trợ của các vùng phát triển trong đô thị với các khu vực trong vùng huyện Thanh Hà.
- Về dự báo quy mô dân số: Việc đề xuất tỷ lệ tăng dân số đô thị giai đoạn 2030 khoảng 2,3%, giai đoạn 2035 khoảng 1,8% còn thiếu cơ sở, chưa đủ luận cứ; việc đề xuất tăng dân số cơ học của QHC đô thị Thanh Hà phải dựa trên các luận cứ, cơ sở khoa học sau khi rà soát, cân đối dự báo dân số trên các vùng của tỉnh Hải Dương, đảm bảo phù hợp với các dự báo dân số đô thị, khách du lịch theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023) và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024).
- Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Đề nghị rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của QHC đô thị Thanh Hà theo thời hạn quy hoạch đối với đô thị mới, đảm bảo tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng.
- Về định hướng phát triển không gian: Đề nghị bổ sung phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị (khu chỉnh trang, cải tạo, khu bảo tồn, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển…) trên cơ sở cấu trúc phát triển của đô thị; đồng thời xác định các nguyên tắc, định hướng cụ thể đối với từng khu vực (dự báo dân số, mật độ dân cư, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, yêu cầu về kiểm soát kiến trúc cảnh quan). Đối với các khu vực dân cư nông thôn đô thị hóa cần hạn chế tách thửa, chuyển đổi đất nông nghiệp; có yêu cầu về kiểm soát kiến trúc gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, vùng sản xuất.
- Đối với quy hoạch sử dụng đất: Rà soát bản vẽ, đối chiếu với số liệu quy hoạch sử dụng đất (đặc biệt là số liệu đất đơn vị ở mới, đất hỗn hợp có ở), đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn đã được phê duyệt (lưu ý bổ sung sơ đồ phân đợt để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo từng giai đoạn); bổ sung luận cứ, làm rõ cơ sở nhu cầu sử dụng đất dịch vụ du lịch. Đối với đất hỗn hợp có ở nên phát triển tại khu vực đô thị tập trung, khu trung tâm dịch vụ, gần các trục đường giao thông chính; đề nghị điều chỉnh tên đất ở (25%) trong khu đất hỗn hợp có ở sang đất nhóm nhà ở.
- Phần thiết kế đô thị: Cần bổ sung ranh giới, yêu cầu kiểm soát phát triển đối với các vùng cảnh quan (đặc biệt là đối với các khu vực ven sông Tranh, sông Hương, hai bên tuyến ĐT 390); bổ sung chỉ tiêu quy định mật độ xây dựng, tầng cao.
- Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Bám sát định hướng của các quy hoạch cấp trên (Quy hoạch tỉnh Hải Dương, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà), rà soát khớp nối các định hướng hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường kết nối vùng, để đảm bảo thống nhất đồng bộ. Bổ sung các tính toán, bảng tổng hợp khối lượng, dự toán các hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn. Rà soát lại giải pháp, phương án phòng chống lũ các khu vực ven sông Hương, sông Tranh đảm bảo khả năng tiêu thoát nước gắn với hệ thống thủy lợi toàn khu vực; hạn chế tác động đến lưu vực các sông, kênh mương tiêu thoát nước.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3876/BXD-QHKT.