Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2081/BDN ngày 30/12/2022 của Ban Dân nguyện đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học kinh nghiệm quốc tế”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 792/BXD-QLN trả lời như sau:
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).
Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng, cho đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra, thiếu nguồn cung dẫn đến nhiều đối tượng thu nhập thấp, người lao động còn khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội và phải sử dụng loại hình nhà trọ không đảm bảo chất lượng, điều kiện sống do các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng. Do vậy, việc nghiên cứu chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và quản lý, nâng cao chất lượng loại hình nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng như kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết.
Do vậy, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Theo đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại một số nước trong khu vực tương đồng với Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...) để đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở nhằm giải quyết cơ bản các tồn tại, hạn chế về việc dành quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, thẩm định giá, chính sách ưu đãi…trong việc phát triển nhà ở xã hội và có chính sách riêng đối với nhà lưu trú để công nhân, người lao động thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 792/BXD-QLN.