Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư

Thứ hai, 29/03/2021 15:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 29/3/2021, Bộ Xây dựng đã có công văn 1015/BXD-HĐXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.

1.Về sự phù hợp của dự án với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng; sự cần thiết đầu tư dự án

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 có tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) - Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 208km với quy mô 04 làn xe.

Theo hồ sơ dự án, Bộ Giao thông vận tải đề xuất chia tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt thành 03 dự án thành phần theo quy mô phân kỳ gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương tại văn bản số 5446/VPCP-KTN ngày 15/7/2015.

Ngoài ra, theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 đã xác định việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất được triển khai thực hiện đoạn Tân Phú - Bảo Lộc với chiều dài khoảng 67km, quy mô phân kỳ 04 làn xe theo phương thức đối tác công tư và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước tại Thông báo số 24/TB-VPCP ngày 04/02/2021.

Vì thế, việc đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) góp phần từng bước hoàn thiện tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt theo quy hoạch, kết nối hai địa phương; giảm tải cho Quốc lộ 20 hiện hữu; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

2. Về phương án thiết kế sơ bộ dự án

Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cần đảm bảo các nội dung yêu cầu theo quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 và Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Về hướng tuyến của dự án cần nghiên cứu, tính toán để xác định hướng tuyến và phương án thiết kế hợp lý nhằm giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp của địa phương.

Theo thuyết minh thì dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: (i) giai đoạn 1 (2025 - 2035) đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 04 làn xe với Bnền = 17m (04 làn xe ô tô và không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục) hoặc Bnền = 13,5m (02 làn xe ô tô và 02 làn dừng xe khẩn cấp liên tục); (ii) giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2035) hoàn thiện theo quy hoạch với tiêu chuẩn cao tốc 08 làn xe ô tô, bề rộng nền đường Bnền = 22m.

Tuy nhiên trong phương án giải phóng mặt bằng chưa làm rõ việc giải phóng mặt bằng theo giai đoạn hay một lần theo quy mô hoàn chỉnh. Bộ Xây dựng đề xuất nên giải phóng mặt bằng với quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh ngay từ giai đoạn 1, đồng thời đầu tư xây dựng mạng lưới đường gom dân sinh dọc hai bên đường để đảm bảo việc đi lại của nhân dân hai bên tuyến, không làm ảnh hưởng đến việc khai thác đường cao tốc. Việc phân kỳ đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

3. Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Theo quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành thì sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án phải được lập theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Do đó đề nghị kiểm tra, rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành.

4. Một số ý kiến khác

Việc áp dụng các tiêu chuẩn trong quá trình đầu tư xây dựng công trình cần tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời kiểm tra, rà soát cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật mới thay thế các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đã hết hiệu lực.

Cần phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương để có giải pháp xử lý và đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dự án với hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Lưu ý việc ảnh hưởng của dự án đến hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Trong bước tiếp theo của dự án, cần nghiên cứu kỹ hơn về hướng tuyến, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành khác có liên quan; đồng thời đảm bảo khả năng kết nối thuận lợi với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và các khu du lịch, danh lam thắng cảnh tại địa phương mà tuyến đi qua.

Cần nghiên cứu tính toán, bố trí xây dựng thêm các cống chui dân sinh, cầu vượt một cách hợp lý để giảm thiểu các tác động chia cắt của dự án đến các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn và hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp của người dân địa phương. Đối với đoạn đi qua vùng đồi núi cần có phương án thiết kế phù hợp để giảm công tác đào đắp đất, tránh các tác động ảnh hưởng đến môi trường và đảm bảo sự ổn định của mái ta luy đường trong trường hợp xảy ra mưa lớn.

Để tránh tình trạng các dự án khu dân cư, khu đô thị nhỏ lẻ phát triển dọc theo tuyến đường cao tốc, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng có phương án đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và đấu nối phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định tổng mức đầu tư, dự toán chi phí cho phù hợp.

Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_1015-BXD-HDXD_29032021.pdf
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1015/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)