Quảng Ninh: Phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 03/02/2021 13:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.

Tuyến đường Bình Liêu - Húc Động được đầu tư khang trang. Ảnh: Thanh Tùng

Thời gian qua, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Quảng Ninh phát triển mạnh, bước đầu mang lại lợi ích cho người dân. Có thể kể đến: Du lịch sinh thái cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và công trình lịch sử văn hóa ở Hạ Long, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà..; du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan biển đảo ở Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái...

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, văn hóa đa dạng, mang bản sắc riêng, những năm qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, huyện đã phân bổ trên 12,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xây dựng NTM cho 25 công trình hạ tầng. Qua đó hoàn thành hệ thống giao thông liên xã, thôn, nhất là đường dẫn đến điểm du lịch như: Cung đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp..., giúp du khách di chuyển thuận lợi.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông với 34 trạm phát sóng di động BTS, cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng điện thoại di động, internet 3G, 4G của nhân dân và du khách; phát triển các cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống (gần 20 cơ sở, trên 200 phòng), trong đó dịch vụ homestay mang đến nhiều trải nghiệm mới, thu hút du khách.

Sản phẩm OCOP Đầm Hà được người dân ưa chuộng.

Một số địa phương, trong đó có huyện Đầm Hà, quan tâm lập các quy hoạch chi tiết công viên cây xanh, hệ sinh thái rừng ngập mặn, các khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, từ đó làm căn cứ để quản lý đầu tư, tôn tạo, xây dựng và mở rộng trong tương lai. Huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và một số công ty du lịch, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng du lịch của huyện để chuẩn bị đầu tư khai thác; xây dựng nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng cổng thông tin điện tử tổng hợp, tọa đàm du lịch, sáng tác logo, tác phẩm văn học nghệ thuật về con người và mảnh đất Đầm Hà; hình thành bộ nhận diện thương hiệu Đầm Hà... để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch.

Một số xã ở các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô đang hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cô Tô, cho biết: Thôn, xã "sáng - xanh - sạch - đẹp” là tiêu chí đầu tiên mà huyện hướng đến để xây dựng NTM cũng như phát triển du lịch. Theo đó, các thôn, xã chủ động chỉnh trang đường hoa, ngõ thôn, xóm, lựa chọn giống hoa trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; phát động mạnh mẽ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thanh niên tình nguyện” trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường biển, môi trường tại các thôn, khu.

Huyện Cô Tô đón lượng lớn du khách dịp hè 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn nhất định. Trong đó, nguồn lực phục vụ du lịch là một trong những cản trở không nhỏ bởi đối tượng tham gia thực hiện du lịch cộng đồng, chủ yếu là nông dân, trình độ còn hạn chế, phần lớn làm theo kinh nghiệm; ý thức về bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng là thách thức trong quá trình hội nhập như hiện nay. Vì vậy, xây dựng đa dạng các hoạt động du lịch là mục tiêu nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM, đảm bảo sự phát triển bền vững trong cộng đồng dân cư.

Theo ông Đặng Bá Bắc, Phó Ban xây dựng NTM tỉnh: Bên cạnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch tại các điểm, khu du lịch cộng đồng để phục vụ du khách, chính quyền cần tích cực vào cuộc cùng với người dân xây dựng và thực hiện đa dạng chiến lược truyền thông, quảng bá nhằm thu hút du khách. Cần có biện pháp kiên quyết để quản lý môi trường du lịch một cách hiệu quả, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cộng đồng dân cư nơi khai thác du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch chuyên biệt, chất lượng cao (lễ hội, hát, múa, biểu diễn nhạc cụ..). Quan trọng nhất là nhận thức, niềm tự hào của người dân, cộng đồng các dân tộc đối với các giá trị văn hoá bản địa truyền thống, là động lực để họ chủ động phát triển du lịch, xây dựng NTM ngày một giàu đẹp.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)