Báo cáo tóm tắt lý do lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến 2035, tầm nhìn 2050, đại diện đơn vị tư vấn - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và Cty Arep Ville nêu mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm vùng Duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch; đến 2050 sẽ có vị trí đối trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, có sức thu hút đầu tư lớn…
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có diện tích khoảng 67.788 ha, phía Bắc giáp huyện Phù Cát (Bình Định), phía Tây giáp thị xã An Nhơn (Bình Định), phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp thị xã sông Cầu (Phú Yên).
Theo đề xuất, các tiền đề phát triển đô thị thì TP Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển bền vững cần đảm bảo sự hài hào của 3 yếu tố: Kinh tế - hệ sinh thái tự nhiên - cân bằng xã hội. Ý tưởng mô hình đô thị tương lai là xây dựng khung giao thông tổng thể kết nối trung tâm TP Quy Nhơn, KKT Nhơn Hội, huyện Tuy Phước, 2 xã Cam Vinh Hiển dựa trên hệ thống chính: Tuyến QL1A, QL19A, 19B, 19C, cầu Thị Nại, đường cao tốc Bắc - Nam.
Trên cơ sở đó, xác định các hướng phát triển của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận như sau: Hướng phát triển về phía Bắc - Đông Bắc, huyện Tuy Phước hình thành vùng sinh thái nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch. KKT Nhơn Hội phát triển gắn với công nghiệp lọc hóa dầu, du lịch biển đảo cao cấp và khu đô thị mới. Hướng phát triển về phía Đông - Đông Nam: Phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh đô thị biển tại trung tâm hiện hữu Tp. Quy Nhơn. Hình thành khu phức hợp đô thị - du lịch - hội thảo khoa học tại khu vực Quy Hòa - Ghềnh Ráng. Đẩy mạnh liên kết du lịch tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu.
Hướng phát triển về phía Tây - Tây Nam: Nâng cấp thị trấn Diều Trì trở thành đô thị trung tâm cửa ngõ phía Tây thành phố, gắn với đầu mối giao thông, dịch vụ thương mại hỗn hợp. Hình thành khu vực tiền cảng, kho vận Logistic tại Phước Lộc. Khu vực Phước Thành, Phước An xây dựng tuyến QL1 tránh, phát triển nông nghiệp, dự trữ đất phát triển đô thị và an ninh quốc phòng. Phát triển khu đô thị Long Vân - Long Mỹ gắn với các trung tâm cấp vùng. Hai xã Cam Vinh, Cam Hiển phát triển nông - lâm nghiệp, vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp…
Định hướng phát triển không gian, TP Quy Nhơn chuyển đổi từ mô hình đô thị độc lập sang mô hình đa trung tâm gắn với các khu vực phụ cận là KKT Nhơn Hội, huyện Tuy Phước và 1 phần của huyện Vân Canh. Hệ thống đa trung tâm liên kết chặt chẽ với nhau bằng kết nối giao thông và hoạt động kinh tế đa dạng. Bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và hệ sinh thái. Huyện Tuy Phước phát triển mô hình “đô thị nông nghiệp”; 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển tiếp tục phát triển theo Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đồ án phân tích rõ quy hoạch sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; định hướng hạ tầng kỹ thuật và môi trường và phân kỳ thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư. Trong đó, định hướng phát triển giao thông hiện đại, đồng bộ, xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Cải tạo tuyến đường sắt, nâng cấp cảng biển, cải tạo trục giao thông chính. Xây dựng các cụm điểm logistic và trung tâm động lực đô thị…
Góp ý cho Đồ án, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá cao sự nghiên cứu công phu, chi tiết của nhóm nghiên cứu. PGS. TS Đỗ Tú Lan cơ bản thống nhất với không gian nghiên cứu của TP Quy Nhơn kết hợp với vùng phụ cận, đánh giá cao về phân tích hiện trạng và đánh giá tiềm năng của Đồ án. Đồ án đưa ra quan điểm khá rõ ràng, nhưng PGS.TS Đỗ Tú Lan chỉ ra mục tiêu hướng tới của đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận còn khiêm tốn và cần có 1 số ý tưởng kết nối không gian hợp lý hơn, xem xét lại chỉ tiêu sử dụng đất, cần có điểm nhấn công trình trong thiết kế đô thị ven biển, kết nôi giao thông linh hoạt hơn. Đặc biệt, vùng này cần lưu ý đến gió cát.
Các ý kiến từ hội đồng nhận định thêm, Đồ án chưa chú trọng hạ tầng vật chất phục vụ du lịch; phát triển đô thị đa cực không thấy có khung giao thông kết nối, không có tính trung tâm của cực. Cần làm rõ các trục, tuyến giao thông và đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu…
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cơ bản đồng ý với ý kiến của phản biện và thành viên Hội đồng, yêu cầu đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện Đồ án; đặc biệt là chú ý đánh giá hiện trạng, quy mô dân số, kết nối giao thông…
Theo : Báo Xây dựng điện tử.