Tham dự cuộc tọa đàm, ngoài Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên còn có đại diện của các Hội Kiến trúc sư các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã khái quát về tình hình kiến trúc nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới; kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng và kiến trúc nông thôn thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung.
Theo đó, trải qua bao đời nay, kiến trúc nông thôn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với những đặc thù riêng, ít đổi thay dù ở riêng hay quần cư. Biểu hiện dễ nhận thấy là mái nhà sàn hoặc nếp nhà của đồng bào miền xuôi lên khai hoang đều có đặc điểm: Lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng. Kiến trúc nhà ở của đồng bào gắn liền với không gian sản xuất vật chất nuôi sống con người.
Những năm gần đây, đặc biệt với tác động của cơ chế thị trường và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã khiến quy hoạch - trúc nông thôn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh lợi ích kinh tế, thì việc thay đổi kiến trúc nông thôn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã làm ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn có. Hiện trạng nhà sàn miền núi chuyển dịch về miền xuôi, và thay vào đó là nhà xây, nhà ống mái bằng, mái tôn diễn ra khá phổ biến…
Trước những thực trạng trên, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra quan ngại về những bất cập trong quy hoạch vùng nông thôn tại các tỉnh như: Quy hoạch xây dựng tự phát hay được lập ra trên bản đồ nhiều khi còn nặng về chia lô; hình ảnh kiến trúc đặc thù miền núi đang dần mất đi những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo ông Nguyễn Đạm, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Vĩnh Phúc, Quy hoạch nông thôn mới đã và đang bị ràng buộc bởi một số Luật như: Xây dựng, Quy hoạch, Đất đai; bên cạnh đó tư duy “bê tông hóa” đã khiến nhiều vùng nông thôn đánh mất bản sắc văn hóa lâu đời của mình…
KTS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Cty Tư vấn Kiến trúc Thái Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên cho rằng, về phường pháp ứng xử, nên tổ chức khảo sát thực tế, lựa chọn những công trình xây dựng đánh giá có nhiều ưu điểm; lắng nghe ý kiến người dân; làm mẫu chuẩn với các loại mẫu đa dạng, chuyển cho chính quyền cơ sở hướng dẫn cho dân trên nguyên tắc họ có quyền lựa chọn mẫu thiết kế cho phù hợp. Quá trình thực hiện thì phải đảm bảo tính nguyên tắc: Dân cam kết (bằng văn bản) tuân thủ xây dựng theo mô hình công trình đã chọn và chính quyền cơ sở bám lấy quy chế, cam kết để kiểm tra. Như vậy, quy hoạch - kiến trúc nông thôn sẽ có thể phát triển theo định hướng tốt; quá trình vận hành luôn được rút kinh nghiệm để có một phương án tốt cho quy hoạch - kiến trúc nông thôn các tỉnh trung du miền núi.
Theo : Báo Xây dựng điện tử